Xã hộiPhòng chống thiên tai

TP. Điện Biên Phủ khắc phục thiệt hại mưa lũ

08:37 - Thứ Tư, 15/06/2022 Lượt xem: 3524 In bài viết

ĐBP - Những trận mưa lớn đầu tháng 6 đã gây ra nhiều thiệt hại cho địa bàn tỉnh ta. Tại TP. Điện Biên Phủ, các xã vùng ngoài bị ảnh hưởng nặng nề về cơ sở hạ tầng, sản xuất, tổng ước giá trị trên 4 tỷ đồng. Khi thiên tai diễn ra, các cấp đã kịp thời ứng phó, chỉ đạo khắc phục và nêu cao hơn nữa tinh thần phòng tránh, hạn chế thiệt hại xảy ra.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ trao tiền hỗ trợ cho gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ ở xã Nà Tấu.

Cuộc sống người dân các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ (chủ yếu các xã vùng ngoài: Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang) đến nay cơ bản đã ổn định, yên tâm lao động, sản xuất. Trước đó, tại Nà Tấu, mưa lớn trong 2 ngày 6 - 7/6 đã làm sạt lở đất ảnh hưởng đến nhà ở của 7 hộ gia đình tại các bản Xôm, Hoa, Nà Tấu; trong đó 1 nhà cấp 4 bị sập hoàn toàn. Rất may không có thiệt hại về người nhờ đã kịp thời sơ tán. Được biết, nhà cấp 4 của gia đình anh Tòng Văn Phượng, bản Xôm bị đất đá đổ xuống, làm sập một phần tường trước khi đổ sập. Ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã Nà Tấu cho biết: “Ngay khi đó, xã, bản đã chỉ đạo gia đình di chuyển, sáng hôm sau huy động người dân trong bản hỗ trợ di dời xong tài sản. Đến trưa cùng ngày, đất đá tiếp tục tràn xuống làm nhà sập hoàn toàn thì người và của cải đều đã đến nơi an toàn. Còn 6 hộ dân khác bị đất sạt lở tràn vào gầm sàn, chuồng trại... cũng được nhân dân trong bản hỗ trợ khắc phục, xúc đất ra; các lực lượng còn giúp di chuyển vị trí 1 ngôi nhà sàn ra xa nơi có nguy cơ sạt lở. Đồng thời, xã thăm hỏi động viên theo mức độ thiệt hại 400.000 - 800.000 đồng/hộ. Sau sự việc này, chúng tôi vẫn tiếp tục rà soát các nhà, khu vực dân cư có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở đất, về cơ bản có thể an tâm khi mưa lớn tiếp diễn”.

Ngoài nhà ở thì Nà Tấu có 2ha lúa mới trổ bông bị ngập nước, vùi lấp do đất tràn xuống từ quốc lộ 279B, thiệt hại mức độ trên 70%. “Xã chỉ đạo người dân khơi thông dòng chảy, kênh mương nội đồng khắc phục việc ngập úng. Còn diện tích bị vùi lấp thì không thể phục hồi, xã trực tiếp xuống kiểm tra và làm việc với đơn vị thi công để có phương án xử lý” - ông Lò Văn Toản cho biết thêm. Trước tình hình thời tiết diễn biến thất thường, mưa kéo dài, UBND xã Nà Tấu tiếp tục chỉ đạo các bản thường xuyên tuyên truyền người dân phòng chống thiên tai, theo dõi thời tiết, đặc biệt lưu ý với những ngôi nhà gần ta luy.

Xã Mường Phăng cũng đã rốt ráo vào cuộc ngay để khắc phục thiệt hại mưa lũ và phòng tránh thiên tai trên địa bàn. Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: “Dự báo thời tiết năm nay mưa sớm nên ngay từ tháng 3, xã đã chủ động kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; lập kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai. Những ngày đầu tháng 3, mưa lớn, từ trong đêm đội xung kích phòng chống thiên tai đã thường trực tại UBND xã, tôi cũng liên hệ chỉ đạo các trưởng bản túc trực nắm tình hình, rà soát các khu vực xung yếu, các nhà ở nơi có nguy cơ sạt lở, gần bờ ao. Các cán bộ, nhân dân cùng chủ động vào cuộc, nhờ đó hạn chế được thiệt hại”. Mưa lớn trong ngày 6 và 7/6, Mường Phăng có một số diện tích lúa, dâu tây bị ngập úng, hơn 6ha ao cá bị ảnh hưởng, 1 ngôi nhà bị đất sạt lở vào làm đổ sập. Đến nay, sau khi khơi thông dòng chảy và thời tiết chuyển biến tích cực, các diện tích sản xuất bị ngập úng đã rút nước, có thể phục hồi. Ngôi nhà bị sập cũng đã được xã rà soát cảnh báo từ sớm, thuộc diện di chuyển, đang trong thời gian dựng nhà tại nơi ở khác nhưng chưa di dời tài sản. Dù một số của cải, đồ đạc bị vùi lấp nhưng tính mạng người dân vẫn được đảm bảo an toàn.

Ngay khi mưa lũ xảy ra, lãnh đạo UBND TP. Điện Biên Phủ đã trực tiếp xuống các xã bị thiệt hại, chỉ đạo chính quyền địa phương kịp thời khắc phục hậu quả, trọng tâm là bảo đảm tính mạng cho người dân, khẩn trương di dời người dân khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Ban Chỉ đạo thành phố đã chỉ đạo lực lượng quân đội, công an xuống nắm tình hình tại các xã, thành lập các điểm, chốt đánh giá hậu quả và có thể chi viện ngay. Chỉ đạo các xã công tác “4 tại chỗ” khẩn trương khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất cho người dân. Vì thời tiết diễn biến phức tạp, nên chỉ đạo các xã có hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao khẩn trương di dời, tránh trú đến nơi an toàn tạm thời, kiên quyết không để người dân ở lại đối diện với nguy hiểm. Các xã khẩn trương rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các khu vực trũng, thường xảy ra ngập úng, triển khai lực lượng xung kích ở cơ sở sẵn sàng các phương án ứng phó.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top