Xã hộiPhòng chống thiên tai

Phòng chống thiên tai ở Điện Biên Đông

07:33 - Thứ Hai, 20/06/2022 Lượt xem: 4904 In bài viết

ĐBP - Từ đầu tháng 5 đến nay, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện Điện Biên Đông đã gây thiệt hại về tài sản, các công trình giao thông, thủy lợi, sản xuất nông nghiệp làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Theo đó, mưa lớn đã khiến 1 người bị thương, làm 25 hộ bị ảnh hưởng về nhà ở; hơn 13,5ha lúa bị vùi lấp, làm chết 1 con gia súc. Mưa lớn cũng làm 2 công trình thủy lợi bị gãy, gây sạt lở đất tại một số tuyến đường giao thông. Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện Điện Biên Đông trong hơn 1 tháng qua ước tính hơn 7,14 tỷ đồng.

Người dân bản Bó, xã Na Son giúp hộ gia đình nằm trong vùng nguy cơ sạt lở di chuyển tài sản, nhà đến nơi ở mới.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên Đông cho biết: Nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2022 tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn có nhiều diễn biến bất thường và ngày càng phức tạp khó lường theo chiều hướng cực đoan, nghiêm trọng hơn, như: Nắng nóng, hạn hán, dông, sét, lốc, mưa đá, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… Đặc biệt, trong mùa mưa bão có thể xuất hiện nhiều trận mưa lớn và các cơn bão có quỹ đạo, cường độ bất thường. Do đó, để chủ động ứng phó kịp thời với thiên tai, bên cạnh việc xây dựng, ban hành kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 và phương án ứng phó với các cấp độ rủi ro thiên tai; huyện Điện Biên Đông chỉ đạo rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp để thống nhất chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ ở mỗi cấp; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ trong mùa mưa lũ để tránh trường hợp bị động, bất ngờ khi có các tình huống xấu xảy ra. Mặt khác, huyện tăng cường kiểm tra, rà soát xác định những khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra thiên tai để xây dựng phương án ứng phó sát với tình hình thực tế; kiên quyết di dời hoặc sơ tán những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm, nhất là vùng ven sông, suối cạn có độ dốc lớn. Qua rà soát, toàn huyện hiện có 15 hộ nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở và đã vận động, di chuyển được 6 hộ đến nơi ở mới đảm bảo an toàn.

Đối với các công trình đang xây dựng dở dang trên địa bàn, huyện chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu thi công có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình trong mùa mưa lũ; kiên quyết đình chỉ thi công với các công trình có thải đất đá gây cản trở thoát lũ hoặc gây sạt lở lấp dòng chảy; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh cát, sỏi, vật liệu xây dựng, làm các loại công trình trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, kè chống sạt lở. Đáng chú ý, huyện đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai cho người dân ngay từ đầu mùa mưa lũ; thường xuyên dự báo tình hình thời tiết, cảnh báo những tai nạn, nguy cơ có thể xảy ra để mọi người phòng tránh; chủ động hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, chuồng trại, thu hoạch sớm mùa màng để tránh ảnh hưởng của thiên tai. Chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân phát quang, nạo vét dòng chảy, tháo dỡ, dọn dẹp những vật cản trên bờ, kênh mương làm ách tắc dòng chảy; kiểm tra và có kế hoạch chặt tỉa, đốn hạ cây xanh không an toàn; cắm biển báo tại những khu vực xung yếu, khu vực nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở để cảnh báo nhân dân, tuyệt đối không để người dân ở lại khu vực mất an toàn. Ngoài ra, huyện chuẩn bị đầy đủ về phương tiện, nhân lực, trang thiết bị như: Nhà bạt, phao tròn, áo phao... để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống đột xuất xảy ra. Kết thúc mỗi đợt mưa lũ, huyện khẩn trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã thị trấn đánh giá tình hình thiệt hại và huy động nguồn lực để khắc phục hậu quả của thiên tai, kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, khôi phục lại diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng để giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống sau thiên tai.

Bài, ảnh: Đức Thái
Bình luận
Back To Top