Xã hộiPhòng chống thiên tai

Nà Nhạn tập trung khắc phục thiệt hại mưa lũ

19:35 - Thứ Hai, 04/07/2022 Lượt xem: 4607 In bài viết

ĐBP - Trận mưa lũ ngày 3/7 đã gây thiệt hại lớn về nhà ở và cây trồng nông nghiệp tại xã Nà Nhạn (TP. Điện Biên Phủ). Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Nà Nhạn đã huy động lực lượng thường trực, phương tiện và người dân trên địa bàn hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại. Đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai tại 2 bản: Nà Nọi 1 và Nà Nọi 2.

UBND xã Nà Nhạn huy động máy xúc nắn dòng chảy suối Nậm Rốm để người dân làm kè tạm phòng chống mưa lũ.

Mưa lớn kéo dài gây lũ dâng cao, chảy xiết làm thiệt hại nhà ở và các công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi của 5 hộ gia đình ở các bản: Nà Nọi 1, 2, Nà Ngám và Tẩu Pung; hơn 130ha lúa vụ mùa mới gieo cấy bị vùi lấp, ngập úng, thiệt hại trên 90%; 50ha lúa đông xuân trà muộn chuẩn bị thu hoạch bị thiệt hại 100%; 9,3ha ao cá và 500 con gia cầm, 2 con lợn nái bị cuốn trôi.

Trận lũ vừa qua đã vùi lấp, cuốn trôi gần 1.000m2 lúa vụ mùa mới gieo của gia đình ông Lường Văn Phó, thôn Nà Nọi 1, xã Nà Nhạn. Hiện nay, ông Phó đang chuẩn bị gieo lại những diện tích bị thiệt hại. Ông Phó cho biết: Gia đình tôi có 3 mảnh ruộng ở vị trí gần suối Nậm Rốm với tổng diện tích gần 1.000m2. Ngày 3/7, nước lũ dâng cao tràn qua bờ ruộng cuốn theo lượng lớn bùn đất vùi lấp 100% diện tích lúa vụ mùa mới gieo.

Bà Lường Thị Thúy, Chủ tịch UBND xã Nà Nhạn cho biết: UBND xã đã huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ bà con khắc phục thiệt hại sau mưa lũ. Đến nay, có 2/5 hộ dân bị thiệt hại hoàn toàn về nhà ở đã được lực lượng tại chỗ hỗ trợ di chuyển người và tài sản đến nhà người thân ở tạm; 3 hộ còn lại bị ảnh hưởng chuồng trại chăn nuôi nên mới di chuyển tài sản còn người vẫn đang ở tại nhà cũ. Đối với các hộ dân sống ven suối Nậm Rốm thuộc 2 bản: Nà Nọi 1 và Nà Nọi 2 nguy cơ cao bị ảnh hưởng nếu tiếp tục mưa lớn trong những ngày tới. Để chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai, UBND xã đã huy động lực lượng dân quân, đoàn thanh niên xã và người dân 2 bản triển khai các biện pháp nắn dòng chảy, giảm thiểu tác động của dòng nước đến các hộ gia đình đang sinh sống 2 bên suối Nậm Rốm.

Sáng ngày 4/7, hơn 100 người dân 2 bản: Nà Nọi 1 và Nà Nọi 2 tập trung tại khu vực sạt lở tìm cách khắc phục. Người dân chuẩn bị nhiều cọc tre, nứa đan thành những tấm phên lớn làm kè rọ đá ngăn dòng chảy tác động trực tiếp vào khu vực nhà ở và chuồng trại chăn nuôi ở 2 bên bờ suối.

Gia đình ông Lường Văn Phó, bản Nà Nọi 1 gieo lại lúa mùa diện tích bị thiệt hại do mưa lũ.

Ông Lò Văn Thơm, Trưởng bản Nà Nọi 2 cho biết: Ban đầu, chúng tôi dự định sẽ đóng cọc tre ở lòng suối, sau đó cố định các phên tre đan sẵn vào cọc và đổ đất đá xuống tạo thành đoạn kè tạm. Tuy nhiên, do lòng suối sâu, nước vẫn đang chảy xiết nên chưa thể thực hiện được. Trước tình hình đó, UBND xã Nà Nhạn đã huy động máy xúc tạo một dòng chảy mới để giảm áp lực nước vào dòng chảy chính thì mới có thể đóng cọc, đắp kè. Việc làm kè tạm hạn chế tác động trực tiếp của dòng nước lũ vào nhà ở của các hộ dân ở phía dưới dự kiến phải 1-2 ngày mới hoàn thành.

Về phương án lâu dài đối với các hộ dân sống 2 bên suối Nậm Rốm, ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ cho biết: Hiện nay, tại các xã: Nà Nhạn, Nà Tấu, Mường Phăng và Pá Khoang có rất nhiều hộ dân sống 2 bên bờ suối, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở gây thiệt hại về người và tài sản. UBND TP. Điện Biên Phủ đã tổ chức rà soát, thống kê các khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở do mưa lũ, từ đó xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai. Hiện nay, UBND TP. Điện Biên Phủ đã chỉ đạo UBND các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân cảnh giác và sẵn sàng phương án ứng phó khi có mưa lớn kéo dài. Giai đoạn 2021 – 2025, UBND TP. Điện Biên Phủ đã đề xuất và đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hiện nay đang điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn năm 2022 để xây dựng một số kè bê tông bảo vệ đất sản xuất, đất ở, đảm bảo cho người dân yên tâm sinh sống, sản xuất.

Đối với thiệt hại về nông nghiệp, diện tích sản xuất bị thiệt hại trên địa bàn xã là rất lớn, một số khu vực ven suối thuộc các bản vùng cao cán bộ xã vẫn đang tiến hành tổng hợp, thống kê thiệt hại. Đối với những diện tích đã được rà soát, tổng hợp, UBND xã làm tờ trình gửi UBND TP. Điện Biên Phủ xin kinh phí để hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại. Đối với diện tích lúa mùa mới gieo, UBND xã chỉ đạo các thôn, bản thông báo người dân tổ chức gieo lại, đảm bảo tiến độ sản xuất vụ mùa.

Bài, ảnh: Nhật Phương
Bình luận
Back To Top