ĐBP - Những năm gần đây, trước những diễn biến bất thường của thiên tai, với sự phối hợp, chủ động của các cấp, ngành chức năng và người dân, công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-UBND ngày 18/2/2022 của UBND tỉnh về việc phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đã chủ động công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh đã phát huy tốt vai trò, kịp thời cung cấp các thông tin, số liệu đo đạc khí tượng thủy văn, nâng cao chất lượng các bản tin dự báo, cảnh báo đặc biệt là các bản tin dự báo, cảnh báo về các hiện tượng thời tiết, thiên tai nguy hiểm như: Rét đậm, rét hại, dông sét, mưa đá, lốc, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, nắng nóng, hạn hán... Từ đó đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ huy, điều hành của UBND tỉnh và ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; đồng thời cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết nguy hiểm cho các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền đến nhân dân.
Đối với cơ quan thường trực về phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh các văn bản chỉ đạo, phương án, kế hoạch về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn. Tăng cường các điểm đo mưa, mực nước tự động tại các điểm trọng yếu trên địa bàn để đáp ứng nhiệm vụ cảnh báo sớm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành. Sở tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đồng thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã được UBND tỉnh phê duyệt. Chủ động kiểm tra, rà soát, yêu cầu hoàn thiện quy trình vận hành, điều tiết các công trình hồ, đập thủy lợi chưa có quy trình vận hành hoặc các công trình có quy trình vận hành nhưng quá thời gian theo quy định; xây dựng phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập, phương án bảo vệ đập.
Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, những năm qua lực lượng vũ trang tỉnh đã chủ động nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn và sơ tán dân khi có thiên tai xảy ra. Chủ động kế hoạch phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các đơn vị, ứng phó kịp thời, đồng bộ trong mọi tình huống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; đồng thời đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2021 đến nay, hơn 1.300 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã thực hiện gần 400 nghìn ngày công, cùng 20 lượt phương tiện các loại tham gia ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, cháy rừng; di dời hàng trăm hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm; tu sửa, dựng lại trên 70 nhà dân bị thiệt hại; san lấp, sửa chữa trên 70km đường giao thông; 8,7km kênh thủy lợi...
Trong 7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai như: Mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất đá… làm 10 người chết, 4 người bị thương; 509 ngôi nhà bị thiệt hại, hơn 1.000ha lúa, hoa màu bị vùi lấp, ngập úng; trên 1.400 con gia súc, gia cầm bị chết; 18 điểm trường, 3 trạm y tế bị thiệt hại... Ước tổng thiệt hại khoảng 93 tỷ đồng. Tuy nhiên, với sự chủ động, phối hợp chặt chẽ của các ngành, đơn vị, địa phương đã kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai như hót sụt sạt đường tránh ách tắc giao thông; khôi phục diện tích lúa bị vùi lấp, thiệt hại; di chuyển nhà dân trong vùng nguy cơ thiên tai đến nơi an toàn; hỗ trợ thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn, tìm kiếm người bị mất tích… Qua đó góp phần ổn định đời sống và sản xuất cho người dân.