Xã hộiPhòng chống thiên tai

Người dân huyện Điện Biên khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa đá

09:43 - Thứ Ba, 21/03/2023 Lượt xem: 3582 In bài viết

ĐBP - Trận giông kèm mưa đá xảy ra chiều ngày 19/3 đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa màu của người dân trên địa bàn huyện Điện Biên. Hiện nay, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện đã phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các xã khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ, giúp người dân khắc phục thiệt hại để ổn định sản xuất.    

Toàn bộ diện tích mướp chuẩn bị cho thu hoạch của gia đình anh Nguyễn Khắc Tiệp, thông Thanh Đông, xã Thanh Xương bị dập, nát do mưa đá.

Từ sáng sớm ngày 20/3, anh Nguyễn Khắc Tiệp, thôn Thanh Đông, xã Thanh Xương đã khẩn trương tháo dỡ giàn, bạt phủ để xới lại đất chuẩn bị trồng lại những diện tích rau màu bị thiệt hại bởi trận mưa đá chiều hôm trước.

Anh Tiệp buồn bã cho biết: “Gần 1ha rau màu của gia đình bị thiệt hại hoàn toàn bởi mưa đá. Những giàn mướp chỉ còn vài ngày nữa là thu hoạch lứa đầu đã bị dập nát; diện tích trồng cà chua mới chỉ 10 ngày tuổi cũng bị đổ gẫy hoàn toàn. Ngoài hoa màu thì 7.000m2 lúa của gia đình cũng bị ảnh hưởng. Dù có buồn nhưng tôi sẽ cố gắng khắc phục, trồng lại cà chua và làm hệ thống giàn mới để trồng bí xanh”.

Trận giông kèm mưa đá đã làm 300m2 chuồng trại chăn nuôi 400 con vịt của gia đình ông Quàng Văn Lẻ, đội 15, xã Thanh Xương bị tốc mái, nghiêng đổ. Ông Quàng Văn Lẻ cho biết: “Sau khi thiên tai xảy ra, gia đình tôi đã được chính quyền xã, người dân trong đội hỗ trợ tháo dỡ, thu dọn, vận chuyển tài sản ra chỗ mới an toàn để dựng lại chuồng trại mới. Với diện tích dưa chuột và ngô bị thiệt hại thì gia đình sẽ nhổ đi và trồng cây khác phù hợp với thời vụ”.

Theo báo cáo nhanh của UBND xã Thanh Xương, trận giông lốc kèm mưa đá đã gây thiệt hại gần 140ha rau màu các loại trên địa bàn xã. Cùng với đó, 300ha lúa đông xuân, hơn 7.000m2 cây ngô và 10.55ha cây ăn quả bị ảnh hưởng. Ngoài những diện tích nông nghiệp bị thiệt hại, trên địa bàn xã có 8 hộ dân bị tốc mái, cổng chào của đội 15 bị đổ gãy, 1 dàn năng lượng mặt trời của người dân bị hỏng.

Sáng sớm ngày 20/3, dưới ruộng rau nhà ông Quàng Văn Lẻ vẫn còn những viên đá chưa tan hết.

Ông Quàng Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Xương cho biết: Ngay trong sáng 20/3, Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã đã thành lập 2 tổ đi kiểm tra, đánh giá mức độ thiệt hại do mưa đá gây ra. Đồng thời chỉ đạo, huy động lực lượng xung kích PCTT phối hợp cùng các lực lượng dân quân, thanh niên trên địa bàn hỗ trợ những hộ bị tốc mái nhà lợp lại mái để ổn định cuộc sống. UBND xã chỉ đạo người dân thăm đồng, khắc phục những diện tích có thể khắc phục được và trồng mới đối với diện tích bị thiệt hại hoàn toàn.

Trước đó, chiều tối ngày 18/3, tại bản Huổi Chan 1, xã Mường Pồn cũng xuất hiện mưa đá, gây thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới sản xuất của nhân dân. Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Thống kê thiệt hại đến thời điểm hiện tại, toàn xã có  6.500m2 lúa bị thiệt hại từ 30-50%; 2.000m2 ngô bị thiệt hại từ 50-70%; 2.000m2 rau màu bị thiệt hại 100%. Dự ước thiệt hại do giông lốc, mưa đá gây ra khoảng 120 triệu đồng. Ngay sau khi hết cơn giông lốc, mưa đá, UBND xã đã phân công các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN xã phối hợp với các trưởng bản kiểm tra, thống kê về thiệt hại. Xã tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, phân công thành viên trực lũ tại UBND xã 24/24 giờ. Đồng thời cảnh báo nhân dân chủ động di rời khỏi nơi có nguy cơ xảy ra lốc, mưa lũ. Những diện tích cây trồng không khắc phục được thì tuyên truyền, vận động người dân chuyển sang trồng những loại cây hợp thời vụ.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng PCTT-TKCN huyện Điện Biên, trận giông lốc kèm theo mưa đá xảy ra 2 ngày 18 -19/3 trên địa bàn huyện đã gây ra thiệt hại về nhà ở, sản xuất nông nghiệp tại các xã: Mường Pồn, Thanh Xương, Thanh Yên, Thanh Chăn, Thanh Hưng và Thanh Luông. Tổng số có 146 ngôi nhà bị thiệt hại dưới 30%; 318,2ha rau màu, 260ha lúa bị ảnh hưởng trên 70%; nhiều diện tích cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70%; 970 con gia cầm bị chết.

Ông Phạm Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông ngiệp huyện Điện Biên cho biết: Công tác khắc phục thiệt hại do giông lốc đã được huyện triển khai khẩn trương. Là cơ quan chuyên môn, Trung tâm phối hợp với Phòng nông nghiệp và Phát trỉển nông thôn tham mưu xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân chăm sóc những diện tích cây trồng bị thiệt hại. Đối với cây lúa, người dân cần tiến hành gom, buộc những cây bị dập để tránh tổn thương cây. Sau đó mua vôi bột về rắc để khử khuẩn đồng ruộng, tuyệt đối không được bón đạm mà chỉ được bón kali để cứng cây lúa. Đối với rau màu thì khẩn trương thu hoạch những diện tích không bị thiệt hại. Những diện tích ngô bị đổ thì cần buộc, dựng cây lên càng sớm càng tốt; còn những cây bị gẫy thì chặt về tận dụng làm thức ăn chăn nuôi. Bà con nông dân đặc biệt lưu ý là mưa xong khi trời nắng lên cây ngô có thể xảy ra tình trạng nghẹt rễ nên cần xới đất, vun gốc và bổ sung lân để tránh bệnh huyết dụ.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top