Xã hộiPhòng chống thiên tai

Triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023

17:54 - Thứ Năm, 20/04/2023 Lượt xem: 3006 In bài viết

ĐBP - Chiều nay (20/4), Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ trong năm 2023. Các đồng chí: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, mặc dù thiên tai diễn ra bất thường, cực đoan, trái quy luật song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, ban chỉ đạo, các bộ, ngành, lực lượng vũ trang đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT&TKCN đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Công tác phòng ngừa thiên tai đã được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng. Trong đó: Hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể PCTT quốc gia; tuyên truyền, phổ biến, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về PCTT&TKCN; tổ chức công bố kết quả đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh năm 2021, thông qua bộ chỉ số và hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai bộ chỉ số năm 2022; công tác dự báo, cảnh báo được triển khai kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đến nay, đã có 57/63 tỉnh ban hành kế hoạch PCTT giai đoạn 2021 – 2025; 60/63 tỉnh, thành phố ban hành phương án ứng phó thiên tai. Công tác khắc phục thiên tai được quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời; công tác cứu hộ, cứu nạn được tập trung chỉ đạo kịp thời, hiệu quả góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Đại diện các địa phương đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp khắc phục trong công tác PCTT&TKCN thời gian qua; chia sẻ kinh nghiệm PCTT&TKCN, như: Công tác phòng, chống lũ, sạt lở bờ sông tại hạ du các thủy điện; công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả lũ, ngập lụt, ũ quét, sạt lở đất; công tác phòng, chống bão; phòng chống ngập lũ đô thị; công tác phục hồi sản xuất sau thiên tai; đảm bảo an toàn đê điều và ứng phó xâm nhập mặn; công tác vận hành các hồ chứa thủy điểm đảm bảo an toàn khu vực hạ du tại khu vực miền trung; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và tham gia cứu hộ, cứu nạn…

Để ứng phó thiên tai trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách, pháp luật nhằm tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, cộng đồng. Xác định công tác PCTT&TKCN là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tiếp tục rà soát bổ sung bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ PCTT; chuyển dịch mạnh mẽ từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về PCTT&TKCN; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong PCTT&TKCN.

Tin, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top