Xã hộiPhòng chống thiên tai

Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

10:11 - Thứ Ba, 08/08/2023 Lượt xem: 2380 In bài viết

Những ngày qua, tại một số tỉnh Tây Nguyên và khu vực miền núi phía bắc xảy ra mưa lớn, gây lũ lụt, sạt lở đất đá, làm thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Chính quyền các địa phương đang chỉ đạo lực lượng tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai…

Nhiều tuyến đường tại tỉnh Lai Châu bị sạt lở do mưa lớn. 

Ngày 7/8, trên địa bàn tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa to gây lũ ống, lũ quét, sạt lở nghiêm trọng. Ðoạn tuyến từ Km324+400-Km329, Quốc lộ 32, thuộc địa bàn xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải bị ách tắc giao thông. Trước tình hình đó, Sở Giao thông vận tải Yên Bái đã có thông báo phương án phân luồng từ xa do ách tắc giao thông trên Quốc lộ 32, đoạn qua xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải để các tổ chức, cá nhân được biết, có kế hoạch di chuyển cho phù hợp.

Dự báo, ngày hôm nay 8/8, các khu vực trong tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa rào và dông rải rác (cục bộ có mưa vừa, mưa to). Lượng mưa phổ biến 20-100mm, có nơi trên 200mm. Trên địa bàn huyện Mường La (Sơn La), có mưa vừa, mưa to, gây sạt lở đất đá, đường giao thông và thiệt hại về người, nhà ở, hoa màu, vật nuôi của nhân dân.

Mưa lũ khiến một người ở bản Nà Lếch, xã Chiềng Lao tử vong do bị lũ cuốn trôi; 109 nhà bị ảnh hưởng, trong đó 8 nhà ở xã Chiềng Hoa, xã Chiềng Lao bị sập đổ hoàn toàn, nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp. Mưa to đã khiến sạt, tắc Quốc lộ 279D tại 5 điểm; một số tuyến đường liên tỉnh, liên xã bị sạt lở 19 điểm, chiều dài khoảng 406m, khối lượng đất đá khoảng 738m3, 1 ngầm tràn bị hư hỏng, 2 cầu treo bị ảnh hưởng. Diện tích lúa ruộng bị vùi lấp cuốn trôi 30,6ha; 0,4ha hoa màu, 1ha ngô; khoảng 1.400m kênh mương bị hư hỏng, vùi lấp; 1 công trình nước sinh hoạt bị ảnh hưởng, gãy đổ 3 cột điện. Lũ cuốn trôi 70m kè đất đá. Chiềng Lao là xã bị thiệt hại nặng nhất với 7 hộ dân bị trôi nhà hoàn toàn, 16 nhà dân bị di dời khẩn cấp và 1 người chết do bị lũ cuốn. Xã đã huy động lực lượng, dân quân tự vệ giúp nhân dân di chuyển tài sản.

Mưa lớn kéo dài từ đêm 6/8 đến ngày 7/8 đã làm sạt lở đất đá với khối lượng lớn, gây ách tắc hai tuyến quốc lộ và Tỉnh lộ 152 ở tỉnh Lào Cai. Các tuyến đường bị sạt lở, ách tắc giao thông là: Quốc lộ 279 (từ huyện Văn Bàn đi tỉnh Lai Châu), Quốc lộ 4D (thành phố Lào Cai đi thị xã Sa Pa) và Tỉnh lộ 152 (từ trung tâm thị xã Sa Pa đi các xã Tả Van, Liên Minh, Bản Hồ).

Tỉnh lộ 152 bị sạt lở tại 18 vị trí, trong đó có năm vị trí bị tắc đường, với tổng khối lượng đất đá sạt lở xuống mặt đường gần 5.000 m3. Tỉnh lộ 152 là tuyến đường nối từ trung tâm thị xã Sa Pa đi các phường Cầu Mây, Mường Hoa, xã Tả Van, Liên Minh, Bản Hồ và đi qua xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng) để ra Quốc lộ 4E. Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa đã bố trí lực lượng chốt chặn không cho các phương tiện qua lại. Ban ODA (Sở Kế hoạch và Ðầu tư) huy động phương tiện, máy móc và nhân lực khẩn trương san gạt đất đá, sửa chữa nền đường để thông xe sớm nhất.

Trên tuyến Quốc lộ 4D nối thành phố Lào Cai với thị xã Sa Pa và tỉnh Lai Châu, xảy ra sạt lở ta-luy dương tại Km109+180, vùi lấp mặt đường, với khối lượng đất đá khoảng 200 m3, gây tắc đường cục bộ. Trên tuyến Quốc lộ 279, tại Km158, đoạn giáp ranh giữa xã Nậm Xé (Văn Bàn) với xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, xảy ra sạt lở lớn, gây ách giao thông tại đây. Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng Lào Cai phối hợp với các đơn vị bảo trì đường bộ huy động máy móc, nhân lực tích cực bốc xúc đất đá, sửa chữa rãnh thoát nước để thông xe sớm nhất.

Từ ngày 4 đến hết ngày 7/8, tại tỉnh Lai Châu đã xảy ra mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất làm 4 người chết, 3 người bị thương, ước thiệt hại về tài sản lên đến hơn 50 tỷ đồng.

Cụ thể 4 người chết, 3 người bị thương tại 6 bản thuộc 2 xã Tà Mung và Khoen On huyện Than Uyên; nguyên nhân được xác định: 2 người dân ở khu lán nương bị đất đá sạt lở vào (1 người chết, 1 người bị thương); 3 người bị lũ cuốn (1 người chết; 2 người bị thương); 1 người bị chết do đất đá sạt lở vào nhà; 1 nam thanh niên khoảng 18 tuổi chưa rõ danh tính bị cuốn trôi trên suối Nậm Mở. Các trường hợp thương vong được hỗ trợ khẩn cấp: mỗi gia đình có người bị chết 18 triệu đồng, có người bị thương 3,6 triệu đồng; Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh hỗ trợ mỗi trường hợp trẻ em bị chết, bị thương 2 triệu đồng, Quỹ Bảo trợ trẻ em huyện hỗ trợ mỗi trường hợp 500 nghìn đồng.

Cùng với đó 160 nhà ở, trên 150 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; mưa lũ cũng làm sạt lở, hư hỏng 13 công trình thủy lợi, 8 công trình công cộng khác; làm sụt lún, sạt lở nhiều tuyến đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Ngay sau khi thiên tai xảy ra gây thiệt hại về người và tài sản, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo và phân công Ðoàn công tác của tỉnh xuống trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo, thăm và động viên các gia đình bị thiệt hại do mưa lũ. Ðồng thời yêu cầu cơ quan Ban Chỉ huy các cấp tuân thủ trực và các phương án phòng chống theo quy định; cử lực lượng xuống địa bàn bám nắm, vận động người dân chủ động ứng phó. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân nâng cao ý thức và kỹ năng phòng tránh.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum, mưa lớn đã gây sạt lở, hư hỏng 76 vị trí trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, liên thôn, liên xã trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là tuyến đường Sa Thầy-Yaly-thôn Tam An (xã Sa Sơn)-Ya Mô-Làng Rẽ (xã Mô Rai) với 41 vị trí bị sạt lở, xói mòn, đất tràn mặt đường. Sở Giao thông vận tải cử lực lượng, máy móc đến các vị trí hư hỏng, triển khai công tác khắc phục. Ðến nay, cơ bản các vị trí hư hỏng đã được thông suốt.

Ngày 7/8, Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia cho biết, khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi hơn 150mm. Mưa dông kèm mưa lớn cục bộ ở Bắc Bộ còn có khả năng kéo dài đến ngày 9/8.

Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét, mưa đá cấp 1. Do tác động của mưa lớn, khu vực vùng núi và các khu vực trũng, thấp đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng. Các khu đô thị đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại khu vực tỉnh Lai Châu, đặc biệt các huyện: Tam Ðường, Sìn Hồ, Phong Thổ, Mường Tè, Tân Uyên, Than Uyên. Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy cấp 1.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn các tỉnh miền núi phía bắc theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền, nhân dân để chủ động phòng tránh; huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Khẩn trương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top