Xã hộiPhòng chống thiên tai

Chú trọng ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

11:08 - Thứ Năm, 10/08/2023 Lượt xem: 2774 In bài viết

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, chú trọng hơn. Ứng phó với BĐKH nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp…

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TL

Ngày 9/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Viện Hanns Seidel Foundation (HSF) tổ chức Hội thảo tham vấn khu vực miền Bắc về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó trưởng Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW cho biết: Đề án “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” là một đề án lớn có phạm vi rất rộng, bao trùm cả 3 nội dung lớn là ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, chú trọng hơn. Ứng phó với biến đổi khí hậu nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, từng bước chuyển từ thích ứng là trọng tâm sang kết hợp giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội để hướng tới nền kinh tế xanh, carbon thấp. Tài nguyên được điều tra, đánh giá, được quản lý bền vững hơn, được phân bổ theo tín hiệu thị trường thông qua đấu giá quyền sử dụng, quyền khai thác. Tư duy về bảo vệ môi trường được chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn. Kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa, tạo lập điều kiện để phát triển.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thiệt hại do thiên tai tại Việt Nam vẫn còn lớn, diễn biến và các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng; việc khai thác tài nguyên vẫn còn chưa thực sự bền vững, việc sử dụng chưa thật tiết kiệm, hiệu quả. Cường độ sử dụng tài nguyên, năng lượng còn ở mức cao, ô nhiễm môi trường và suy thoái đa dạng sinh học vẫn tiếp diễn.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân khẳng định, quản lý tài nguyên, BVMT và chủ động ứng phó với BĐKH là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cả hệ thống chính trị, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương.

Theo Thứ trưởng, quá trình tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW cần đề xuất được hệ thống quan điểm mới, tư duy mới đáp ứng bối cảnh, tình hình mới từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong đó, lựa chọn một số vấn đề, mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp; các vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu, chuyển đổi năng lượng công bằng hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; ưu tiên phục hồi và phát triển các hệ sinh thái tự nhiên thông qua mở rộng, bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học; đẩy mạnh tiếp cận thị trường và các công cụ kinh tế để có thể chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, công bằng…

Theo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 24-NQ/TW sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên qua tổ chức 2 hội thảo tham vấn tại khu vực miền Trung và miền Nam, cùng 3 hội thảo chuyên đề trong thời gian tới.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cho biết: UNDP đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các đối tác khác tại Việt Nam trong 45 năm qua. UNDP sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam để thúc đẩy các chính sách và chương trình nghị sự quan trọng về thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm nhựa, bảo tồn lâm nghiệp và đa dạng sinh học, kinh tế đại dương, kinh tế tuần hoàn.

Theo bà Ramla Khalidi, 3 lĩnh vực chính Việt Nam cần tập trung triển khai từ nay đến năm 2030 gồm: Chuyển đổi năng lượng công bằng là một bước cơ bản để đạt được mức phát thải ròng bằng 0. UNDP cam kết cung cấp hỗ trợ kỹ thuật để đưa ra một khuôn khổ pháp lý thuận lợi và một kế hoạch đầu tư khả thi.

Hoàn thiện khung thể chế và pháp lý cho kinh tế tuần hoàn, trong đó khu vực kinh tế tư nhân đóng vai trò trung tâm trong việc đưa ra các giải pháp và nguồn lực đổi mới sáng tạo.Tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy vai trò và đóng góp của thanh niên Việt Nam.

Bà Ramla Khalidi cho biết, UNDP đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân và thanh niên tham gia các hoạt động về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Theo Dangcongsan
Bình luận

Tin khác

Back To Top