ĐBP - Sáng nay (10/5), Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 theo hình thức trực tuyến.
Năm 2023, cả nước xảy ra gần 1.970 trận thiên tai với 21/22 loại hình. Đặc biệt là mưa lớn gây sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng. Trong năm, cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 9.324 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích; thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Trước diễn biến bất thường của thiên tai, công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai đã được các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm, triển khai nhanh chóng, kịp thời. Công tác hỗ trợ người dân ổn định đời sống, sản xuất, khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu được các bộ, ngành, địa phương triển khai nhanh chóng, nhất là hỗ trợ sửa chữa nhà ở, thông đường tại các tuyến giao thông bị sạt lở, vùi lấp gây ách tắc. Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định hỗ trợ 8.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương cho 43 tỉnh, thành phố để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở.
Tại tỉnh Điện Biên, năm 2023, toàn tỉnh chịu ảnh hưởng của 24 đợt thiên tai bao gồm các loại hình: Rét đậm, rét hại, dông lốc, sét, mưa đá, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất đã làm 6 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại nhiều nhà cửa, công trình hạ tầng, diện tích sản xuất… ước tổng thiệt hại khoảng 168 tỷ đồng. Trong 4 tháng đầu năm 2024, tỉnh Điện Biên chịu ảnh hưởng của 6 đợt thiên tai gây thiệt hại về tài sản khoảng 2,1 tỷ đồng. Đối với công tác ứng phó thiên tai, đến nay tỉnh Điện Biên đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN các cấp; tổ chức trực ban theo quy định để theo dõi, thông báo, cảnh báo và tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị dành nhiều thời gian để các bộ ngành, địa phương thảo luận, bàn giải pháp triển khai hiệu quả nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2024. Hội nghị thống nhất đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm ứng phó, hạn chế thiệt hại về người và tài sản do sự cố thiên tai gây ra.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nêu ra nhiều hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai năm 2023, như: Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng nói chung, công trình phòng chống thiên tai nói riêng còn thấp; công tác dự báo, cảnh báo sớm đối với một số hình thái thiên tai cực đoan như: lũ quét, mưa lớn, lốc, sét còn hạn chế; một số trường hợp chưa được kịp thời, đầy đủ. Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Năm 2024, các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực điều hành, kiện toàn, phân công nhiệm vụ các thành viên Ban chỉ huy PCTT-TKCN; triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác PCTT-TKCN; rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCTT. Đồng thời, nâng cao năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai; tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy từ Trung ương đến cơ sở; nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về PCTT-TKCN; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế và chuyển đổi số trong PCTT-TKCN.