Xã hộiPhòng chống thiên tai

Vấn đề hôm nay

Cùng hành động khẩn cấp

09:10 - Thứ Sáu, 23/08/2024 Lượt xem: 1891 In bài viết

ĐBP - UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn xã Mường Pồn, huyện Điện Biên. Cùng với đó là các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Thiên tai tại xã Mường Pồn gây thiệt hại lớn về người, tài sản, vật nuôi, diện tích và đất sản xuất nông nghiệp, công trình hạ tầng, tác hại tương đối lớn với môi trường và ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong tình huống khẩn cấp, biện pháp ứng phó đã được UBND tỉnh chỉ đạo rốt ráo.

Thiệt hại về người đã không thể tránh khỏi. Theo thống kê của UBND tỉnh, trong 100 ngôi nhà bị thiệt hại có 20 nhà thiệt hại hoàn toàn, 13 nhà thiệt hại từ 50 - 70%. Đối với cây trồng, 136,7ha cây trồng; 20,47ha ao nuôi cá truyền thống thiệt hại 100%. Đối với đất ruộng sản xuất, trong 116,89ha bị thiệt hại có 66,5ha ruộng lúa bị vùi lấp khối lượng lớn người dân không thể tự khắc phục; 8ha ruộng lúa bị lũ quét sạt lở, vùi lấp hoàn toàn, không thể khắc phục được. Cùng với đó, suối Nậm Pồn đổi toàn bộ dòng chảy với chiều dài 10km; sạt lở tại khe suối Huổi Lĩnh tại bản Lĩnh 250m, khe suối bản Tin Tốc gần 300m. Ngoài ra còn thiệt hại nặng nề về giao thông, hệ thống điện, công trình thủy lợi và nước sinh hoạt…

Từ trung tuần tháng 7 đến nay, tỉnh, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều chuyến công tác, họp bàn nhằm khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Biện pháp khắc phục vừa cần khẩn cấp vừa lâu dài. Trước mắt, UBND huyện Điện Biên thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến thời tiết; xây dựng, đề xuất phương án, kinh phí hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai. UBND huyện chủ trì thực hiện các dự án khẩn cấp do huyện quản lý để khắc phục thiệt hại, đảm bảo an toàn, ổn định cuộc sống nhân dân vùng thiên tai.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh) phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi tình hình mưa lũ. Rà soát, thống kê báo cáo các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai gây ra kịp thời thông báo để phòng, tránh kịp thời. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đài Khí tượng thủy văn tổ chức trực ban 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để kịp thời phát tin dự báo, cảnh báo… phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó của tỉnh, huyện, xã và để nhân dân chủ động phòng, tránh.

Sở Giao thông vận tải chỉ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương liện quan bố trí nhân lực, phương tiện khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt. Sở đề xuất các biện pháp công trình đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại an toàn trên quốc lộ 12, đoạn qua xã Mường Pồn; phối hợp cùng Công an tỉnh tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông.

Sở Xây dựng được giao tham mưu, hướng dẫn trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp theo quy định. Sở hướng dẫn lập quy hoạch xây dựng đối với xã Mường Pồn làm cơ sở cho việc khắc phục hậu quả thiên tai.

Các sở, ngành, lực lượng vũ trang… theo chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu bố trí kinh phí thực hiện các nội dung liên quan đến khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ di chuyển người đến nơi an toàn cũng như triển khai các tình huống khẩn cấp đúng quy định của pháp luật.

Để sớm kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai tại xã Mường Pồn huyện Điện Biên cùng các ngành, lực lượng liên quan cần chủ động triển khai các nội dung, biện pháp UBND tỉnh đã đề ra. Đặc biệt, xã Mường Pồn và huyện Điện Biên cần rà soát, thống kê đầy đủ hơn nữa; xác định những khó khăn, vướng mắc về nguồn lực, điều kiện tự nhiên, chính sách… để kiến nghị, đề xuất từ đó tỉnh có giải pháp thực hiện hiệu quả.

Người dân 4 bản: Mường Pồn 1, Mường Pồn 1, bản Lĩnh và Tin Tốc nói riêng, xã Mường Pồn nói chung trong phạm vi, mức độ ảnh hưởng đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thiên tai và ổn định đời sống lâu dài. Do đó, người dân cần tích cực, đồng lòng cùng chính quyền các cấp trong thực hiện các nội dung, phần việc. Người dân cũng cần được thông tin, tuyên truyền qua đó thay đổi nhận thức để họ thấy được lợi ích lâu dài của việc bố trí, sắp xếp dân cư, tổ chức sản xuất…

Bảo Thương
Bình luận
Back To Top