Xã hộiPhòng chống thiên tai

Chủ động ứng phó bão số 3

14:53 - Chủ Nhật, 08/09/2024 Lượt xem: 2303 In bài viết

ĐBP - Cơn bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền nước ta và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng vẫn gây mưa to đến rất to tại nhiều tỉnh miền Bắc. Theo dự báo, các tỉnh phía Tây Bắc Bộ lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 350mm, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét rất cao. Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ ngày 7/9 đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường đi kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống và ứng phó với cơn bão số 3 tại bản Huổi Tóng (xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà).

Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3, UBND tỉnh đã ban hành Công điện đề nghị Bí thư và yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phân công thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp trực tiếp xuống địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão lũ.

Trong đó chủ động di dời, sơ tán dân tại khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.

Các địa phương phải bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn và hỗ trợ đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí ngầm tràn, khu vực sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người, phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả do bão, lũ. Đặc biệt, xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, cấp ủy, chính quyền xã Mường Mươn đã họp bàn phương án và phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó bão số 3.

Theo thống kê, toàn xã có 80 hộ dân đang sinh sống tại các khu vực có nguy cơ về ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét. Các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã trực tiếp xuống các bản phối hợp với lực lượng cơ sở đến từng hộ dân ở khu vực nguy hiểm tuyên truyền, vận động người dân di dời người, tài sản giá trị đến các nơi ở tạm an toàn.

Cung trượt sạt lở đất tại bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn (huyện Mường Chà).

Đến chiều ngày 7/9, 100% các hộ dân tại các khu vực xung yếu xã Mường Mương đã được di dời, di chuyển ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, các tổ công tác của xã, bản thông báo, tuyên truyền đến người dân về mức độ nguy hiểm của cơn bão và ảnh hưởng của hoàn lưu bão; khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài nếu không thật sự cần thiết, không ở lại các lán nương, lán ruộng trong các ngày từ 8 – 9/9. Xã cũng chuẩn bị sẵn sàng lực lượng và các phương án ứng phó với ảnh hưởng của hoàn lưu bão.

Ông Hoàng Điều, Bí thư Đảng ủy xã Mường Mươn cho biết: “Xã Mường Mươn đã khẩn trương hoàn thành việc di dời toàn bộ các hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn. Những người đi làm nương xa đã được thông báo và đã trở về nhà hoặc đến nơi trú tạm an toàn. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã đã phân công các tổ trực 24/24 tại trụ sở xã; bố trí lực lượng tại chỗ, cơ động tại 11/11 bản trên địa bàn sẵn sàng ứng phó khi xảy ra thiên tai”.

Hộ ông Lò Văn Xuân đang sinh sống phía dưới vị trí cung trượt tại bản Mường Mươn 2 (xã Mường Mươn). Mùa mưa năm nay, tại vị trí cung trượt này đã bị sạt lở, các lực lượng chức năng của xã đã hỗ trợ di chuyển căn nhà sàn ra xa hơn vị trí cũ khoảng 10m. Tuy nhiên, đây là vị trí tiềm ẩn sạt lở đất rất cao, do đó ngày 7/9, UBND xã Mường Mươn đã đến vận động ông Xuân di dời đến nơi ở tạm an toàn.

Ông Lò Văn Xuân cho biết: “Gia đinh tôi hoàn toàn đồng ý và cam kết với UBND xã sẽ tìm quỹ đất mới và di dời ra khỏi khu vực cung trượt. Tuy nhiên, hiện nay, do chưa có quỹ đất nên chúng tôi chỉ mới di dời người và những tài sản giá trị đến ở tạm tại nhà anh em, họ hàng trong bản”.

Đoàn công tác UBND huyện Tuần Giáo kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó hoàn lưu bão số 3 tại bản Hua Ca, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo).

Ứng phó với bão số 3, UBND huyện Tuần Giáo đã thành lập 3 đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo UBND huyện trực tiếp phụ trách xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác phòng chống thiên tai tại 12 xã trên địa bàn, đặc biệt tại một số vị trí xung yếu trên địa bàn các xã.

Ông Hà Cầm Hồng, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Song song với chuẩn bị các phương án sẵn sàng ứng phó với ảnh hưởng cơn bão số 3, UBND huyện yêu cầu các xã đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng tránh, ứng phó với thiên tai ở mức cao nhất. Đặc biệt là kiên quyết di dời tất cả các hộ dân tại khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến nơi ở tạm an toàn. Huy động lực lượng hỗ trợ các gia đình khó khăn, neo người, người già và các đối tượng yếu thế di chuyển người và tài sản ra khỏi vùng tiềm ẩn nguy hiểm.

Đối với các khu vực xung yếu, UBND huyện yêu cầu các xã chủ động chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, hậu cần theo đúng phương châm “4 tại chỗ"; bố trí lực lượng ứng trực, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng không để bị động, bất ngờ khi sự cố xảy ra.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Chiềng Đông (huyện Tuần Giáo) cắm biển báo, phân luồng, hướng dẫn người dân di chuyển qua khu vực sạt lở đất tại đường liên bản Hua Nạ - Hua Chăn.

Tại bản Nà Tòng (xã Nà Tòng) xảy ra hiện tượng sụt lún khu vực dân cư và đường giao thông nội bản với chiều dài khoảng 400m. Toàn bộ khu vực bị sụt lún có diện tích khoảng 3,6ha gồm đất ở, đất vườn, đất sản xuất, ao thả cá của 14 hộ dân. Để đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại do thiên tai, UBND xã Nà Tòng đã vận động và tiến hành huy động lực lượng hỗ trợ các hộ ở khu vực xung yếu di dời ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở; thường xuyên kiểm tra sự biến động của khe nứt, biến động của đất đá trong khu vực sụt lún để kịp thời có phương án ứng phó. Đồng thời, cắm biển cảnh báo toàn bộ mép cung trượt; phân luồng và hướng dẫn người dân qua lại an toàn tại khu vực này.

Ta Ma là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Tuần Giáo, với 100% người đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Hiện nay, xã Ta Ma còn một số bản chưa có điện, chưa có sóng điện thoại do đó việc thông báo, phổ biến về mức độ ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 và thực hiện ứng phó gặp rất nhiều khó khăn. Ban Chỉ huy PCTT& TKCN xã Ta Ma đã cử các đoàn công tác xuống trực tiếp các bản triển khai đồng thời các nhiệm vụ. Một mặt là vận động di dời các hộ dân khu vực tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đến nơi ở tạm an toàn, mặt khác dùng loa cầm tay đi đến từng nhóm dân cư thông báo, tuyên truyền trực tiếp để người dân chủ động phòng tránh.

Trung tá Giàng A Chính, Trưởng Công an xã Ta Ma dùng loa cầm tay để thông báo người dân xã Ta Ma chủ động ứng phó ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3.

Từ sáng sớm ngày 7/9, với hành trang là chiếc xe máy và chiếc loa cầm tay, Trung tá Giàng A Chính, Trưởng Công an xã Ta Ma đã đi đến từng bản để thông báo, hướng dẫn người dân phòng, chống, ứng phó với hoàn lưu bão số 3.

Trung tá Giàng A Chính cho biết: Ban ngày, nhiều người đi nương, tôi dùng loa cầm tay để thông báo cho những người ở nhà nắm thông tin trước. Tối đến, khi cả bản đông đủ, Ban Chỉ huy PCTT& TKCN xã lại tiếp tục thông báo thêm lần nữa để đảm bảo 100% người dân đều biết và chủ động phương án ứng phó. Đến nay, xã Ta Ma đã di dời 100% hộ dân ra khỏi vùng tiềm ẩn nguy hiểm, sạt lở đất; bố trí lực lượng trực 24/24 và sẵn sẵn lực lượng, phương tiện tại chỗ ứng phó khi xảy ra thiên tai.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top