ĐBP - Sáng nay (28/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 26 địa phương bị ảnh hưởng bởi cơn bão.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có các đồng chí: Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơn bão số 3 đã khiến 318 người chết, 26 người mất tích, 1.976 người bị thương; 281.966 nhà ở bị hư hỏng, tốc mái, 112.034 ngôi nhà bị ngập. Về nông nghiệp, có 284.472ha lúa và 61.114ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.188ha cây ăn quả bị hư hại; 189.982ha rừng bị thiệt hại; 35.029ha và 11.832 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 44.174 con gia súc, 5.604.587 con gia cầm bị chết. Hạ tầng điện; thông tin liên lạc; y tế, giáo dục; giao thông; thủy lợi, đê điều cũng bị thiệt hại lớn… Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu trên 81.503 tỷ đồng.
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Công việc nhiều, yêu cầu cao, đòi hỏi phải có hiệu quả ngay sau hội nghị này. Do đó ý kiến tham gia cần nêu rõ những việc đã làm tốt, những việc làm chưa tốt, hạn chế, khó khăn, rút ra các bài học kinh nghiệm, đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp. Từ đó, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu nhanh chóng ổn định tình hình, hỗ trợ nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2024.
Đại biểu các bộ, ngành Trung ương đã tập trung đánh giá, phân tích những kết quả đạt được, đồng thời thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình phòng, chống và khắc phục thiệt hại thiên tai như: Công tác dự báo, cảnh báo; công tác lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai lực lượng, các phương án phòng chống; các chính sách đã thực hiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; công tác phối hợp, hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai… Đại biểu tại điểm cầu các địa phương phát biểu trọng tâm về công tác khắc phục thiệt hại sau bão và hoàn lưu bão số 3; kiến nghị, đề xuất với chính phủ về các giải pháp để tiếp tục khắc phục hậu quả, phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định đời sống người dân.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương sự chủ động, nỗ lực, tinh thần trách nhiệm và sự phối hợp giữa các lực lượng, việc huy động sức mạnh của người dân, doanh nghiệp, phát huy mạnh mẽ tinh thần đại đoàn kết; cả nước chung tay góp sức, góp của, góp công với tinh thần "tương thân, tương ái", "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" trong công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Thủ tướng nêu ra 5 bài học kinh nghiệm trong phòng, chống và khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Đó là: Công tác dự báo, cảnh báo phải kịp thời, chính xác, từ sớm và từ xa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải bám sát thực tế, quyết liệt, quyết đoán và có trọng tâm, trọng điểm, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc và người dân; đặt mục tiêu bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, nhà nước lên trên hết, từ đó huy động nguồn lực để phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai; các bộ, ngành và địa phương căn cứ chức năng, quyền hạn để thực hiện tốt công tác phòng, chống và khắc phục thiệt hại mưa lũ; chú trọng công tác truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn và phổ biến cho người dân các kỹ năng phòng chống thiên tai.
Trong thời gian tới, với mục tiêu nhất quán không để người dân nào phải thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nước sạch, chỗ ở và các vật dụng sinh hoạt cần thiết; khẩn trương khắc phục hậu quả siêu bão số 3; ổn định tình hình Nhân dân; khôi phục sản xuất, kinh doanh; kiểm soát tốt lạm phát; đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho Nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3. Trong đó chú trọng một số nội dung sau: Tập trung rà soát, khắc phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông. Các bộ ngành liên quan chủ động phối hợp bổ sung, sửa đổi thể chế, nhất là các nghị định, thông tư về hỗ trợ khắc phục thiệt hại thiên tai đã lỗi thời, không còn phù hợp, chậm nhất trong tháng 10/2024 phải hoàn thiện. Chậm nhất 31/12/2024, các địa phương phải hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà (đảm bảo “3 cứng”) cho các hộ bị mất nhà do thiên tai. Khắc phục ngay hạ tầng trạm xá, bệnh viện, trường học chậm nhất trong tháng 10/2024. Rà soát và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đối với các đối tượng bị thiệt hại do mưa bão. Đối với cầu Phong Châu, đề nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan và tỉnh Phú Thọ khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng cầu mới và phải hoàn thành trong năm 2025. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác phòng chống và khắc phục hậu quả bão số 3. Đồng thời, đề xuất khen thưởng những điển hình tiên tiến, cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai.