Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, hiệu quả

09:02 - Thứ Tư, 19/01/2022 Lượt xem: 1885 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có tổng diện tích đất có rừng là 407.030ha, tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 đạt 43%. Trong khi đó, gần 82% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhiều khu vực bà con chủ yếu canh tác trên nương. Cùng với đó là diễn biến phức tạp của thời tiết do biến đổi khí hậu, nắng nóng, khô hạn, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Để chủ động công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), tỉnh ta đã triển khai nhiều phương án nhằm ứng phó hiệu quả trong mùa khô 2022.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn hướng dẫn người dân thôn Háng Tơ Mang, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) phát dọn thực bì PCCCR.

Trong mùa khô 2021 trên địa bàn tỉnh không có vụ cháy rừng xảy ra. Có được điều đó một phần do Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo kiểm lâm địa bàn phải bám địa bàn 24/24 giờ cùng các thành viên Ban Chỉ huy PCCCR cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng lửa trong sản xuất, canh tác, đốt xử lý thực bì. Trong đó tập trung hướng dẫn kỹ thuật xử lý thực bì đúng thời điểm, địa điểm hoặc tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, PCCCR đối với các hộ dân có hoạt động sản xuất, canh tác gần rừng. Đồng thời, củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy các vấn đề cấp bách về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR của 128 xã, phường, thị trấn có rừng với 3.388 thành viên tham gia; củng cố 1.282 tổ, đội PCCCR cấp thôn, bản với hơn 13.000 thành viên tham gia. Đây là lực lượng ứng phó tại chỗ đầu tiên khi có sự việc xảy ra.

Trước đây xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) là một trong những điểm “nóng” về cháy rừng và khai thác lâm sản trái phép. Sau khi trên 6.300ha rừng của xã thuộc lưu vực sông Đà được hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và giao cho 10 cộng đồng thôn, bản và 18 hộ gia đình, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã có chuyển biến tích cực. Các thôn, bản được giao rừng đã xây dựng hương ước về công tác quản lý, bảo vệ rừng; 100% hộ dân tự giác chấp hành hương ước. Được cán bộ kiểm lâm địa bàn xã hướng dẫn cách phát nương, dọn thực bì và làm đường băng cản lửa phòng khi đốt nương cháy lan vào rừng, nhận thức của người dân được nâng cao. Nhờ vậy, 3 năm trở lại đây xã Mường Pồn không xảy ra cháy rừng hoặc đốt nương cháy lan vào rừng.

Ông Vì Văn Khiên, Trưởng bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn cho biết: Để nâng cao trách nhiệm của mỗi hộ gia đình trong việc bảo vệ diện tích rừng được giao, các tổ quản lý và bảo vệ rừng ngoài tuần tra rừng còn thường xuyên tuyên truyền tới người dân những lợi ích của việc bảo vệ rừng. Mùa khô, tổ quản lý và bảo vệ rừng chủ động các phương án trực PCCCR, khoanh vùng có nguy cơ cháy cao để tham mưu với UBND xã, kiểm lâm địa bàn xây dựng các phương án PCCCR. Được cán bộ kiểm lâm địa bàn xã đến tận nương sản xuất để “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn làm đường băng người dân chúng tôi đã xác định được vùng giáp ranh để không lấn chiếm sang rừng.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch, phân công kiểm lâm địa bàn trực 24/24 giờ trong suốt thời kỳ cao điểm của mùa khô thì các lực lượng kiểm lâm, lực lượng vũ trang, chủ rừng và các lực lượng khác tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý các tình huống khi có cháy rừng xảy ra. Thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ và 5 sẵn sàng”, “phòng là chính, chữa cháy kịp thời” để bảo vệ an toàn diện tích rừng hiện có, chủ động phát hiện sớm cháy rừng; kịp thời ứng phó, huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy hiệu quả, an toàn, hạn chế thấp nhất số vụ và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra. Hạt Kiểm lâm các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng tới từng chủ rừng; xây dựng quy ước bảo vệ rừng; tuyên truyền sâu rộng về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, hạt kiểm lâm các huyện thường xuyên thông báo cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo về từng bản để nhân dân chủ động thực hiện và chủ động phương án ứng cứu nếu xảy ra cháy rừng.

Cùng với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, để PCCCR hiệu quả thì ý thức, hành động của người dân mỗi khi vào rừng hoặc làm những việc ở gần rừng tuân thủ các quy định về rừng quản lý bảo vệ rừng thì nguy cơ xảy ra cháy rừng sẽ giảm. Do đó, mỗi người dân, chủ rừng cần thực hiện tốt các nội dung của bản cam kết bảo vệ rừng, PCCCR; nắm được diễn biến rừng để chủ động các phương án phòng cháy.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top