Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Quản lý từ “gốc”, ngăn chặn vi phạm

17:14 - Thứ Năm, 24/03/2022 Lượt xem: 3109 In bài viết

ĐBP - Để giữ lại màu xanh cho những cánh rừng trên địa bàn tỉnh, bên cạnh việc trồng và phòng cháy, chữa cháy rừng, lực lượng Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản. Hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc; công tác quản lý, bảo vệ rừng được làm tốt ngay từ “gốc” đã góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm trong chế biến lâm sản, nhất là chế biến gỗ.

Lực lượng kiểm lâm huyện Mường Nhé kiểm tra hoạt động của cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn.

Mường Chà hiện có 8 hộ gia đình, cá nhân chế biến thương mại lâm sản, trong đó chủ yếu là gỗ, sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Tham gia chế biến gỗ, hầu hết cơ sở trên địa bàn huyện đều chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, sử dụng nguồn gốc gỗ đưa vào chế biến rõ ràng, như: Gỗ rừng sản xuất và gỗ nhập khẩu được mua lại của các công ty kinh doanh gỗ trong và ngoài tỉnh. 

Ông Hoàng Quốc Hưng, chủ cơ sở chế biến gỗ tại thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) chia sẻ: Phục vụ nhu cầu sử dụng các sản phẩm chế biến từ gỗ của nhân dân, chúng tôi phải lựa chọn các loại gỗ không chỉ đảm bảo về chất lượng mà phải có nguồn gốc rõ ràng. Điều này cũng thường xuyên được lực lượng kiểm lâm tuyên truyền. Chúng tôi tuân thủ nghiêm túc các quy định về thủ tục và nguồn gốc lâm sản trước khi thu mua chế biến thành các sản phẩm. Ngoài nguồn nguyên liệu của người trồng rừng, chúng tôi còn sử dụng các loại gỗ nhập khẩu; nếu gỗ không rõ nguồn gốc thì sẽ không thu mua vì như vậy vừa vi phạm pháp luật lại ảnh hưởng đến uy tín của cơ sở.

Ông Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Chà cho biết: trên địa bàn huyện chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân chế biến lâm sản, trong đó có gỗ và các sản phẩm gỗ. Để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm, quản lý tốt hoạt động chế biến lâm sản, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép với các buổi họp bản về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với đó phân công kiểm lâm địa bàn tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ. Việc quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của các đơn vị chế biến lâm sản cũng là một giải pháp quan trọng để bảo vệ rừng tốt hơn, không để xảy ra các điểm “nóng” về phá rừng tự nhiên lấy gỗ hay lâm sản.

Hiện nay, toàn tỉnh có 87 cơ sở chế biến, thương mại lâm sản, trong đó chủ yếu là các hộ gia đình, cá nhân. Mặc dù quy mô chế biến lâm sản trên địa bàn còn nhỏ lẻ, manh mún, song kể từ ngày 1/1/2019, Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản có hiệu lực, việc quản lý, giám sát hoạt động của các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản được quản lý chặt chẽ hơn. Càng thuận lợi hơn khi Thông tư 27 là “cái gậy” và cơ sở để kiểm lâm địa bàn, cơ quan chức năng có căn cứ kịp thời xử lý các đơn vị vi phạm quy định về chế biến lâm sản.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Những năm trước đây, công tác quản lý các cơ sở chế biến lâm sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, gần đây, các quy định của pháp luật đã được quy định chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến hoạt động chế biến lâm sản. Trong đó, Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quy định khá rõ ràng và chúng tôi đã bám sát các quy định đó để kiểm tra, truy xuất đối với các loại lâm sản, trong đó có gỗ.

Hiện nay, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở và cá nhân chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chủ yếu nhập nguyên liệu gỗ từ 3 nguồn hợp pháp là: Gỗ nhập khẩu, gỗ có nguồn gốc từ rừng trồng, rừng sản xuất hay một số cơ sở thu mua được gỗ từ việc xử lý vi phạm. Bên cạnh việc kiểm tra và truy xuất nguồn gốc gỗ, hàng năm, đơn vị còn phối hợp với các cơ quan liên ngành tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng. Việc quản lý rừng từ “gốc” sẽ góp phần hạn chế các vi phạm liên quan đến hoạt động chế biến lâm sản. Khi rừng được quản lý chặt chẽ ngay từ đầu, người dân không thể tự ý khai thác gỗ bán cho các hộ gia đình hay cơ sở chế biến. Đồng thời, kiểm lâm địa bàn cũng tăng cường kiểm tra đối với các xưởng, cơ sở chế biến lâm sản, đơn vị nào có dấu hiệu vi phạm sẽ bị xử lý; từ đó nâng cao ý thức của hộ gia đình, cá nhân trong việc chế biến lâm sản. Nhờ vậy, thời gian gần đây, hầu hết cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản đều chấp hành đúng quy định của pháp luật; việc vi phạm tại các cơ sở chế biến liên quan đến nguồn gốc gỗ hầu như không có mà chủ yếu vi phạm về các thủ tục hành chính.

Mặc dù không có vi phạm nghiêm trọng, không có tình trạng khai thác gỗ rừng tự nhiên, song hiện nay, nhu cầu sử dụng các sản phẩm lâm sản, đồ dùng bằng gỗ vẫn khá phổ biến. Thực tế đó càng khẳng định tầm quan trọng của công tác quản lý, rà roát, thống kê, kiểm tra, theo dõi hoạt động chế biến gỗ của các cơ sở trên địa bàn. Công tác quản lý, bảo vệ rừng phải làm tốt ngay từ “gốc” sẽ là điều kiện tiên quyết hạn chế các vụ vi phạm trong hoạt động chế biến gỗ. Không chỉ có sự vào cuộc của cơ quan chức năng mà mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân chế biến lâm sản cũng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về chế biến lâm sản, có như vậy mới giúp người sản xuất chứng nhận được nguồn gốc, thuận lợi trong khâu tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top