Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Tự hào gắn với trách nhiệm bảo vệ rừng di tích

05:43 - Thứ Ba, 26/04/2022 Lượt xem: 2596 In bài viết

ĐBP - Rừng Mường Phăng đã che chở cho quân đội ta để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Và nơi đây không chỉ là “địa chỉ đỏ” tuyên truyền giá trị lịch sử mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam nói chung và Điện Biên nói riêng. Công cuộc giữ rừng dù còn lắm gian nan, song với cán bộ và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách tại Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng, việc gìn giữ cho rừng Mường Phăng luôn xanh là trách nhiệm gắn với niềm vinh dự, tự hào.

Cán bộ và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng rà soát diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ.

Được giao quản lý, bảo vệ trên 2.200ha rừng đặc dụng thuộc 2 xã: Mường Phăng và Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ), dù diện tích không quá rộng nhưng Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng cũng gặp khá nhiều vất vả để giữ màu xanh cho những cánh rừng. Khu vực giáp ranh rừng có không ít hộ dân sinh sống. Cuộc sống của dân bản chủ yếu là sản xuất nông nghiệp rất cần đất canh tác, từ đó phụ thuộc nhiều vào rừng.

Từ thực tế trên, công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng càng phải thường xuyên hơn để kịp thời nắm bắt, phát hiện các hành vi xâm phạm đến rừng đặc dụng. 13 năm tham gia giữ rừng đặc dụng Mường Phăng, không ít dịp Tết Nguyên đán, anh Quàng Văn Thư, Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng (Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng) phải đón xuân trong rừng. Công việc vất vả, bận rộn là thế nhưng anh Thư luôn hết mình vì nhiệm vụ. Với anh, được bảo vệ "rừng Đại tướng” là niềm vinh dự rất lớn.

Anh Thư chia sẻ: “Từ khi nhận công tác tại đơn vị đến nay, tôi cũng như các anh em khác luôn xác định làm tốt nhiệm vụ của mình, tức là giữ rừng ngày càng xanh tốt. Vì vậy, ở đây anh em hầu như không có ngày nghỉ và nhiều cái tết cũng không được trọn vẹn vì thường xuyên phải đi tuần tra, thực hiện nhiệm vụ. Dịp Tết Nguyên đán năm 2020, dù chỉ còn vài giờ nữa là đến giao thừa nhưng nhận được tin báo có trường hợp vận chuyển gỗ trái phép trong khu vực đơn vị quản lý, anh em đành gác lại mọi công việc tất niên cuối năm để kịp thời ngăn chặn. Thậm chí, nhiều lần phát hiện vụ việc xâm phạm đến rừng, chúng tôi có mặt ngăn cản thì lại bị hành hung, trong khi không được trang bị công cụ hỗ trợ nên cũng khá nguy hiểm. Thế nhưng, bản thân mình là người được giao nhiệm vụ giữ rừng di tích, đó là niềm vinh dự, tự hào, song cũng thấy trách nhiệm của mình càng phải cao hơn để rừng không bị xâm phạm”.

Với anh Lê Trung Hiếu, Tổ quản lý bảo vệ rừng có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với rừng đặc dụng Mường Phăng. Anh Hiếu vẫn nhớ chuyến tuần tra vào năm 2017, khi anh tham gia đoàn ngăn chặn lâm tặc phá rừng đã bị các đối tượng manh động túm cổ áo, hành hung và đe dọa. Trước nhiều nguy hiểm và rủi ro nhưng các anh không nản lòng và vẫn gắn bó với công việc bảo vệ rừng. Anh Hiếu tâm sự: Trong các tháng mùa khô, anh em trong đơn vị thường xuyên tổ chức tuần tra rừng, đi thực địa. Để làm tốt nhiệm vụ, đơn vị đã chia mỗi nhóm phụ trách 3 - 4 bản, phạm vi tuần tra từ 5 - 10km. Nhiều đoạn có đường xe máy nhưng để nắm bắt được các biến động, chặt phá rừng, anh em thường phải đi bộ xuyên rừng; có như vậy mới kịp thời phát hiện các vụ việc xâm phạm rừng đặc dụng. Vì bà con sinh sống ở khá gần rừng nên chỉ cần vài bước chân là họ có thể tranh thủ lên rừng chặt cây bất cứ lúc nào. Để kịp thời phát hiện các trường hợp xâm hại đến rừng, chúng tôi phải nỗ lực hơn làm tròn trách nhiệm và xứng đáng với niềm tin mà cấp trên cũng như nhân dân giao phó bảo vệ rừng di tích”.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác giữ rừng, ông Trần Xuân Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng cho biết: Ban Quản lý hiện có 18 cán bộ và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách được giao bảo vệ hơn 2.200ha rừng đặc dụng. Tuy nhiên, diện tích rừng bảo vệ thực tế quản lý trên 4.400ha. Nếu so với các ban khác, lực lượng của đơn vị có nhỉnh hơn, nhưng cái khó nhất ở đây là người dân sống trong và giáp ranh với rừng đặc dụng khá nhiều. Hiện nay có 36 bản thuộc 2 xã: Pá Khoang và Mường Phăng nằm trong vùng đệm; trong đó có hơn 10 bản nằm trong khu vực giáp ranh, hơn 100 hộ sinh sống trong và cạnh rừng đặc dụng (chưa kể các lán, ao). Điều kiện kinh tế và quỹ đất của bà con còn hạn hẹp mà cuộc sống lại khó khăn. Để họ hiểu, nâng cao trách nhiệm giữ rừng, đơn vị đã đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường vai trò quản lý, giám sát của cộng đồng để bảo vệ rừng. Cùng với đó, chỉ đạo lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị xây dựng hồ sơ quản lý, đo đạc số liệu từng khu vực lán ao, nhà ở, đất nương; phối hợp với địa phương kiểm tồn gỗ trong nhân dân trên địa bàn để thuận lợi cho công tác quản lý.

Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng cũng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người để tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng. Nhằm giám sát tốt việc tuần tra của anh em, đơn vị đã sử dụng phần mềm quản lý, nếu ai thực hiện thiếu nghiêm túc sẽ bị xử lý theo quy định. Bởi rừng đặc dụng Mường Phăng như một tài sản quý giá mang dấu ấn lịch sử, truyền thống nên việc giữ màu xanh cho những cánh rừng không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào đối với mỗi cán bộ và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trong đơn vị. Bên cạnh giá trị lịch sử, thời gian tới, chúng tôi còn hướng đến việc xây dựng nơi đây thành khu bảo vệ, cứu hộ động vật hoang dã nhằm giáo dục về môi trường, bảo vệ các loài động vật cho thế hệ trẻ.

Dẫu còn không ít khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng di tích, nhưng những cán bộ và lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ở Ban Quản lý rừng Di tích lịch sử và Cảnh quan môi trường Mường Phăng luôn nỗ lực hết mình để gìn giữ màu xanh của cánh rừng. Đây là trách nhiệm và niềm tự hào của những người giữ rừng nơi đây, khi được đóng góp một phần công sức vào việc lưu giữ giá trị lịch sử của thế hệ đi trước và truyền lại cho thế hệ mai sau.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top