Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Lợi ích kép từ giao khoán bảo vệ rừng

05:45 - Thứ Năm, 26/05/2022 Lượt xem: 3320 In bài viết

ĐBP - Giao khoán bảo vệ rừng là một trong những giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả, mang lại lợi ích kép, vừa tạo sinh kế phát triển kinh tế, vừa khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Qua đó góp phần nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.    

Cán bộ kiểm lâm huyện Tủa Chùa tuyên truyền lợi ích của việc bảo vệ rừng đến người dân thôn Háng Tơ Mang, xã Mường Báng.

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên được giao quản lý, bảo vệ 5.302,53ha rừng thuộc các xã: Na Tông, Mường Nhà, Phu Luông và Mường Lói.  Quản lý diện tích rừng lớn, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng năm là bảo vệ tốt diện tích rừng được giao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, những năm qua, ngoài lực lượng của đơn vị, Ban Quản lý đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với các cộng đồng thôn, bản trên địa bàn.

Ông Bùi Nam Thái, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Điện Biên cho biết: Hiện nay, Ban đang ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng với 16 cộng đồng bản. 16 cộng đồng nhận khoán đã thành lập 16 tổ bảo vệ rừng thôn, bản với sự tham gia của 100% các hộ dân. Các tổ bảo vệ rừng xây kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng 2 - 4 lần/tháng, đồng thời phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng của Ban đi kiểm tra rừng. Từ khi được giao khoán bảo vệ rừng, các thôn, bản được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định. Tiền dịch vụ môi trường rừng giúp các tổ bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả và góp phần tăng thu nhập cho hộ dân tham gia nhận khoán. Có thêm thu nhập, người dân rất phấn khởi, tích cực tham gia. So với trước khi thực hiện chính sách giao khoán cho người dân, thì hiện nay công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng trong cộng đồng dân cư được thực hiện tốt hơn, tình hình vi phạm lâm luật giảm.

Ngoài ra, tại những khu vực rừng được nhận khoán, người dân đã kết hợp phát triển kinh tế bằng các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm và khai thác một số lâm sản phụ như cây dược liệu dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng, tạo nguồn thu nhập cho gia đình.

Bản Cổng Trời, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) nằm trên đỉnh đèo Ma Thì Hồ, xung quanh là những cánh rừng xanh tốt được dân bản quản lý, bảo vệ tốt. Thời gian qua, 57 hộ dân của bản Cổng Trời đã đoàn kết quản lý, bảo vệ hơn 414ha rừng. Nhờ đó trung bình mỗi hộ trong bản nhận được hơn 2 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng/năm. Để bảo vệ rừng hiệu quả, bản Cổng Trời tổ chức 2 hình thức tuần tra: định kỳ và đột xuất. Vào mùa khô, nhất là cao điểm tháng 2, tháng 3, bản tiến hành đi tuần tra 4 - 5 lần/tháng. Bản Cổng Trời thành lập tổ bảo vệ rừng 13 người, gồm những người trẻ, khỏe; khi phát hiện có vấn đề lớn thì tập hợp cả bản cùng đi. Sau mỗi đợt tuần tra, bảo vệ rừng, tổ tuần tra sẽ ghi chép vào sổ tay tuần tra rừng và báo cáo với Ban quản lý rừng cộng đồng bản. Đối với những trường hợp cá nhân vi phạm, nhóm tuần tra phát hiện sẽ lập biên bản, báo cáo với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn để xử lý nghiêm minh. Ngoài thực hiện những quy định chung, dân bản đã gắn bảo vệ rừng với thực hiện hương ước của bản.

Anh Hồ A Dia, Trưởng bản kiêm tổ trưởng Tổ quản lý, bảo vệ rừng bản Cổng Trời chia sẻ: “Từ khi nhận bảo vệ rừng đến nay, tôi cũng như người dân trong bản rất phấn khởi vì vừa góp phần bảo vệ được tài nguyên rừng, hạn chế lũ lụt, sạt lở, vừa có thêm thu nhập. Vì vậy, dân bản không vi phạm các quy định về bảo vệ rừng; từ người già tới trẻ ai cũng đều có ý thức bảo vệ rừng. Gia đình nào muốn khai thác gỗ để làm nhà thì phải báo cáo bản, làm đơn xin ý kiến UBND xã, kiểm lâm. Trong bản ai vi phạm sẽ phạt tiền sung quỹ cộng đồng và hộ đó cũng không được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng.”

Với hiệu quả thiết thực, chính sách giao khoán rừng cho Nhân dân bảo vệ được chính quyền địa phương tích cực triển khai, người dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, trên địa bàn các xã, huyện có diện tích được giao khoán, tình trạng chặt phá rừng giảm đáng kể; công tác phòng cháy, chữa cháy rừng được thực hiện tốt hơn; các hành vi xâm phạm rừng được phát hiện và ngăn chặn kịp thời; ý thức bảo vệ rừng của người dân được nâng cao. Kết quả thể hiện qua tổng số tiền, diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2019 toàn tỉnh có 268.628,06ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng với số tiền hơn 218 tỷ đồng; đến năm 2021 diện tích tăng lên 304.577,71ha với số tiền được chi trả hơn 245 tỷ đồng. Toàn bộ diện tích được chi trả dịch vụ môi trường rừng được giao cho 4.203 chủ rừng; trong đó 3.097 chủ rừng là hộ gia đình, 1.050 chủ rừng là cộng đồng, 47 UBND xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 5 chủ rừng là tổ chức, 4 chủ rừng khác.

Lan Phương
Bình luận
Back To Top