Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Cần khắc phục những hạn chế trong trồng rừng thay thế

05:48 - Thứ Năm, 26/05/2022 Lượt xem: 1589 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp, chủ dự án thực hiện nghiêm quy định về trồng rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (diện tích trồng rừng thay thế ít nhất bằng diện tích rừng chuyển sang mục đích khác). Tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án trồng rừng thay thế chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Người dân bản Có, xã Quài Tở (huyện Tuần Giáo) chăm sóc diện tích rừng trồng thay thế.

Theo Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT, ngày 25/10/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công trình, dự án có liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích khác thì chủ đầu tư phải có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế. Đây là điều kiện bắt buộc khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhằm bù đắp lại diện tích rừng đã mất do chuyển đổi.

Từ năm 2015 đến hết năm 2021, UBND tỉnh đã chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để trồng rừng thay thế cho 41 công trình, dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng. Đồng thời, phê duyệt phương án nộp chi phí trồng lại diện tích rừng trồng thay thế, rừng trồng phòng hộ đang trong giai đoạn đầu tư bị ảnh hưởng bởi các công trình, dự án khác đối với 3 dự án, tổng số tiền là hơn 57,7 tỷ đồng với diện tích phải thực hiện trồng rừng thay thế là 711,36ha. Từ số tiền này, hàng năm UBND tỉnh đã phân bổ chỉ tiêu trồng rừng cho các đơn vị, địa phương thực hiện.

Đến nay, tổng diện tích đã thực hiện trồng rừng thay thế đạt 789,64 ha (bao gồm cả 68ha trồng rừng thay thế từ nguồn vốn các chủ đầu tư của các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để trồng rừng thay thế). Việc giám sát, kiểm tra kết quả trồng rừng thay thế cũng được thực hiện thường xuyên, nhằm đảm bảo cho chủ dự án sử dụng kinh phí đúng mục đích. Hiện hầu hết diện tích trồng rừng thay thế đảm bảo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; nhiều diện tích rừng đã được các hộ dân nhận khoán chăm sóc, quản lý bảo vệ. 

Điển hình, từ năm 2016 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo được giao trồng rừng thay thế với diện tích 154,64ha (bao gồm trồng mới và chăm sóc chuyển tiếp). Đến nay đơn vị đã thực hiện trồng 100% kế hoạch tỉnh giao; tỷ lệ giải ngân hơn 9,542 tỷ đồng/hơn 12,786 tỷ đồng kế hoạch. Toàn bộ diện tích rừng trồng, chăm sóc, bảo vệ hàng năm đơn vị thực hiện đảm bảo theo quy định như: Ký kết hợp đồng, xây dựng hồ sơ dự toán trình phê duyệt; các biện pháp kỹ thuật; tổ chức nghiệm thu thanh toán đối với những diện tích đủ điều kiện thanh toán. Hiện nay những diện tích rừng đã đầu tư được người dân nhận khoán chăm sóc, quản lý bảo vệ, cây trồng phát triển tốt.

Bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác trồng rừng thay thế, hiện nay còn 62,68ha/711,36ha của 10 dự án chưa thực hiện trồng rừng thay thế, gồm: Dự án Nâng cấp đường vào khu di tích Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng (hơn 10,9ha); dự án nâng cấp đường Đông Điện Biên (ĐT.147), huyện Điện Biên (7,16ha); dự án nâng cấp đường giao thông từ quốc lộ 12 - Pú Múa - Kết Tinh, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà (9,45ha); dự án đường giao thông kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm thuộc vùng kinh tế động lực dọc trục quốc lộ 279 và quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên (11,24ha)… Nguyên nhân do các dự án này nộp tiền sau thời vụ trồng rừng năm 2021 của tỉnh, vì vậy chưa thể triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, qua kiểm tra, xác định tiêu chí thành rừng đối với các diện tích hết giai đoạn đầu tư chăm sóc tại một số dự án trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh thì chất lượng rừng chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ cây chết còn khá cao, trong khi đó việc trồng dặm để đảm bảo mật độ chưa kịp thời, một số loại cây khả năng sinh trưởng yếu, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; chưa chú trọng các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, quy trình chăm sóc chưa hợp lý; công tác quản lý, bảo vệ rừng trồng chưa hiệu quả… Một số đơn vị chưa tập trung, quyết liệt thực hiện các biện pháp khắc phục đối với những diện tích rừng không đảm bảo chất lượng.

Theo bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), qua kết quả tổng hợp, báo cáo của các đơn vị trồng rừng thay thế và kết quả theo dõi, kiểm tra hàng năm, trong số 789,64ha đã trồng rừng thay thế có 405,4ha đã hết giai đoạn đầu tư và 321,56ha đang trong giai đoạn đầu tư được các đơn vị chăm sóc, quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, trong đó chỉ có 207,42ha đảm bảo tiêu chí thành rừng theo quy định; còn 197,98ha chưa đủ tiêu chí, đặc biệt có 20ha ít có khả năng thành rừng.

Bên cạnh đó, tại một số dự án trồng rừng thay thế, các chỉ tiêu lâm học đủ điều kiện đáp ứng các tiêu chí theo tiêu chuẩn vẫn còn thấp. Đơn cử như diện tích rừng chăm sóc từ năm thứ 2 đến năm 4 do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo được giao trồng, mật độ bình quân đạt tỷ lệ 77% trở lên; đối với diện tích rừng bảo vệ năm 2 và năm thứ 3, mật độ bình quân đạt tỷ lệ 79% trở lên… Nguyên nhân chủ yếu do mật độ cây trồng không đảm bảo; tỷ lệ cây sống bình quân không đạt chỉ tiêu; độ tàn che (mức độ che kín của tán cây rừng theo phương thẳng đứng), đường kính gốc bình quân, chiều cao vút ngọn bình quân không đạt yêu cầu.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thực hiện nghiêm các quy định về trồng rừng thay thế, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tổ chức rà soát, kiểm tra và đôn đốc các chủ dự án thực hiện nghiêm nghĩa vụ trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật. Những trường hợp cố tình không thực hiện nghĩa vụ, cần có những biện pháp xử lý nghiêm. Đối với những diện tích rừng trồng thay thế đã hết giai đoạn đầu tư nhưng chưa thành rừng (197,98ha), phần diện tích có khả năng thành rừng (172,52ha), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan tiếp tục chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng trồng để đảm bảo tiêu chí thành rừng theo quy định.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top