ĐBP - Thời gian qua, các vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, trong đó chủ yếu là phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật, vận chuyển lâm sản trái phép... Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, xảo quyệt thực hiện hành vi phạm tội và đối phó với lực lượng chức năng, gây khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Ngày 12/6/2022, Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa chủ trì, phối hợp với Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR tỉnh, Công an xã Mường Đun kiểm tra, phát hiện và tạm giữ 517 lóng gỗ nghiến tròn dạng thớt (nhóm IIA), khối lượng 1,746m3 tại khu vực đất trống thuộc thôn Làng Vùa, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa. Tổ công tác đã thông báo cho người dân xung quanh khu vực, tuy nhiên không có tổ chức, cá nhân nào đến nhận hoặc cung cấp thông tin về chủ lâm sản của số gỗ nghiến. Tổ công tác đã tiến hành lập hồ sơ ban đầu, tạm giữ và đưa toàn bộ tang vật (gỗ) về trụ sở Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa để quản lý, xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Vụ việc trên chỉ là 1 trong số 41 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp được Hạt Kiểm lâm huyện, Công an huyện, UBND các xã, thị trấn kiểm tra, phát hiện trong 6 tháng đầu năm trên địa bàn huyện Tủa Chùa. Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm 2021, số vụ vi phạm đã tăng 29 vụ và chủ yếu là phá rừng (17 vụ), vận chuyển, tàng trữ gỗ trái phép (24 vụ).
Trao đổi về nguyên nhân dẫn đến gia tăng các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là tình trạng vận chuyển, tàng trữ gỗ trái phép trên địa bàn, ông Trần Quốc Khánh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, cho biết: Nhiều khu rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa có sự phân bố của loài cây gỗ nghiến thuộc nhóm IIA (nhóm hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại), tập trung tại các xã: Xá Nhè, Mường Ðun, Tủa Thàng và Huổi Só. Ðây là mục tiêu của các đối tượng khai thác, vận chuyển và buôn bán trái phép gỗ nghiến dạng thớt. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 một số lao động địa phương không có việc làm, trở về nhà đã cố tình khai thác lâm sản, đặc biệt là gỗ nghiến tròn dạng thớt để bán cho các đầu nậu.
Hiện nay các đối tượng đầu nậu đã thay đổi phương thức, thủ đoạn để lợi dụng, quay vòng hồ sơ lâm sản hợp pháp như photo hồ sơ hợp pháp và ký gửi nhờ người dân tại các khu vực điểm nóng về khai thác, tàng trữ, trung chuyển gỗ nghiến, cho, tặng người quen, người nhà… gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, truy xuất nguồn gốc, xử lý vi phạm. Ngoài ra, khu vực giáp ranh giữa bản Lò Củ, xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La với thôn Phi Giàng 1, 2, xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa hiện nay đang không cắm mốc giới ngoài thực địa, chỉ có biên bản mô tả. Trong phần diện tích rừng khu vực giáp ranh có sự phân bố của cây gỗ nghiến và đang được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng bản Lò Củ. Do đó, rất khó cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này.
Tại huyện Nậm Pồ, 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp gia tăng, nhất là tình trạng phá rừng. Cụ thể, trong tổng số 78 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện thì có đến 75 vụ là phá rừng. Ông Trần Đức Quyền, Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm cho biết: Tại huyện Nậm Pồ, tình trạng phá rừng không chỉ tăng về số vụ, diện tích bị phá, mà còn diễn biến phức tạp. Điển hình tại một số xã như: Na Cô Sa, Nà Khoa, Nậm Nhừ, Nà Hỳ, Nậm Chua còn xảy ra tình trạng người dân phá rừng tập thể. Khi lực lượng chức năng tuyên truyền, yêu cầu không phát nương lấn vào rừng thì người dân có biểu hiện chống đối, manh động, tụ tập đông người đòi hỏi yêu sách, không cho lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ có dấu hiệu cản trở, chống đối các lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, riêng huyện Nậm Pồ có 3 vụ.
Không chỉ riêng huyện Nậm Pồ, Tủa Chùa, theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có tổng số 248 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 53,09% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, hành vi phá rừng 170 vụ, tăng 86 vụ so với cùng kỳ năm trước, gây thiệt hại hơn 40,5ha rừng; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 31 vụ, tăng 13 vụ… Lực lượng chức năng đã xử lý vi phạm 200 vụ, trong đó xử lý hình sự 35 vụ, tăng 27 vụ so với cùng kỳ năm 2021.
Cũng theo ông Trần Đức Quyền, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng gia tăng các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhưng chủ yếu là do nhiều người dân không có việc làm ổn định, đời sống khó khăn nên khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều đối tượng trước đây đã bỏ nghề rừng, chuyển sang công việc khác, hiện nay lại trở về địa phương, quay lại nghề cũ. Thời điểm xảy ra các vụ phá rừng hầu hết người dân, thanh niên đều đang tạm nghỉ ở nhà để tránh dịch Covid-19. Cũng bởi vậy, mặc dù công tác tuần tra, bảo vệ rừng đã được lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh tăng cường, phối hợp tổ chức thường xuyên với hơn 2.370 lượt, tăng 675 lượt so với cùng kỳ; song tình trạng vi phạm lâm luật vẫn diễn biến phức tạp.
Để nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, thời gian tới, lực lượng kiểm lâm tiếp tục kiểm tra, rà soát, kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích; quyết liệt xóa bỏ các “điểm nóng” về phá rừng, cháy rừng và khai thác lâm sản trái pháp luật. Bên cạnh đó, kịp thời phối hợp với các địa phương, đơn vị phát hiện, xử lý hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp.