Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Phát huy hiệu quả các sáng kiến kinh nghiệm trong PCCCR

08:02 - Thứ Sáu, 09/12/2022 Lượt xem: 1877 In bài viết

ĐBP - Xác định phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vì vậy, trước diễn biến khó lường của khí hậu với thời tiết nắng nóng khô hạn kéo dài dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, công chức, người lao động thuộc lực lượng kiểm lâm đã tích cực xây dựng nhiều sáng kiến kinh nghiệm có tính ứng dụng cao, phục vụ hiệu quả trong công tác PCCCR.

Cán bộ, công chức kiểm lâm huyện Điện Biên áp dụng các sáng kiến kiểm tra các điểm nguy cơ cháy rừng trên điện thoại thông minh.

Trong 2 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ cháy rừng nào. Để có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực, quyết liệt trong công tác PCCCR của chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng và người dân, còn có sự hỗ trợ của các công nghệ cũng như các sáng kiến kinh nghiệm trong quá trình phát hiện nguy cơ cháy cùng với chữa cháy rừng. Ngoài các phần mềm chuyên dụng hỗ trợ công tác PCCCR, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm còn áp dụng triệt để các sáng kiến kinh nghiệm do các công chức, người lao động trong lực lượng kiểm lâm đề xuất, nhằm phục vụ cho công tác PCCCR trên địa bàn.

Từ năm 2018 đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn áp dụng sáng kiến kinh nghiệm “Xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng tỉnh Điện Biên”. Mỗi địa phương lại có một điều kiện khác nhau nên việc vận dụng những biện pháp cụ thể trong PCCCR cũng không hoàn toàn giống nhau. Vì thế, việc xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng là rất cần thiết và dựa vào đó, kiểm lâm có thể định hướng những giải pháp phòng chống cháy rừng phù hợp với khu vực mình phụ trách, góp phần đảm bảo công tác phòng chống cháy rừng đạt hiệu quả tốt nhất.

Nói về sáng kiến kinh nghiệm này, ông Lù Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa cho biết: Theo số liệu thống kê giai đoạn 2016-2019 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, đã có 361 vụ cháy xảy ra, gây thiệt hại 1.157ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó chủ yếu là rừng tự nhiên. Xác định PCCCR là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lực lượng kiểm lâm, năm 2018, chúng tôi đã xây dựng bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng tỉnh Điện Biên nhằm cung cấp tư liệu trực quan về nguy cơ cháy rừng cho từng đơn vị hành chính để xác định các khu vực có nguy cơ cháy cao, giúp các cơ quan quản lý chủ động đề ra các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng có hiệu quả, đảm bảo vừa giảm nhẹ được chi phí vừa nâng cao được hiệu quả của công tác PCCCR. Và cho đến nay, bản đồ phân vùng trọng điểm cháy rừng vẫn rất hữu ích, bởi thông qua đó mới có những giải pháp PCCCR phù hợp với từng khu vực, địa bàn cụ thể.

Thực tế, thời gian trước đây, công tác PCCCR của lực lượng kiểm lâm gặp không ít khó khăn; dù hệ thống quản lý lửa rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã được quan tâm, đầu tư nhưng việc tổ chức quản lý chỉ dừng lại ở mức độ nhất định; việc xác định mùa cháy rừng cho riêng tỉnh Điện Biên cũng chưa được thực hiện và chưa áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào việc quản lý. Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã sáng kiến kinh nghiệm “Ứng dụng công nghệ địa không gian trong quản lý lửa rừng, xác định mùa cháy rừng và thành lập bản đồ lịch sử cháy rừng tỉnh Điện Biên”. Ông Trần Đức Quyền, Phó trưởng phòng QLBVR, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ: Với mục đích của giải pháp đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ trong quản lý bảo vệ rừng, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quản lý lửa rừng, chúng tôi đã có sáng kiến “Ứng dụng công nghệ địa không gian trong quản lý lửa rừng, xác định mùa cháy rừng và thành lập bản đồ lịch sử cháy rừng tỉnh Điện Biên”. Từ khi xây dựng sáng kiến đến nay, ứng dụng đã giải quyết một số tồn tại trong công tác quản lý. Trong đó, thay vì dừng lại ở việc thống kê số liệu bằng phương pháp thủ công như trước đây, ứng dụng đã góp phần thực hiện số hóa bản đồ từ những dữ liệu rời rạc và để đánh giá, theo dõi tình hình trực quan, đồng thời đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả… Thông qua đó, công chức kiểm lâm có thể định hướng các phương án, kế hoạch PCCCR một cách nhanh chóng, phù hợp với rừng thời điểm hàng năm, khắc phục được tình trạng phải sử dụng kết quả xác định mùa cháy rừng của cả khu vực Tây Bắc để áp dụng cho tỉnh Điện Biên. Quá trình thu thập, xử lý dữ liệu đã phần nào nâng cao khả năng suy luận, khả năng sử dụng các công cụ, phần mềm ứng dụng trong công tác chuyên môn của kiểm lâm.

Trao đổi về tính hiệu quả của các sáng kiến kinh nghiệm trong lực lượng kiểm lâm, ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh chia sẻ: Việc PCCCR trong thời gian qua luôn được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra. Tuy nhiên, do sự khác biệt về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội ở các địa phương nên việc vận dụng những biện pháp cụ thể trong PCCCR không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn khuyến khích anh em kiểm lâm đề xuất và xây dựng các sáng kiến kinh nghiệm để có những giải pháp PCCCR, làm sao mang lại hiệu quả giữ rừng tốt nhất. Từ 2018 đến nay, đơn vị đã có 23 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận, trong đó có 02 sáng kiến được công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh. Và trong thực tế, các sáng kiến đều phát huy hiệu quả, qua đó góp phần hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Việc khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm xây dựng các sáng kiến kinh nghiệm không chỉ phát huy khả năng tư duy, năng lực của mỗi người mà còn hình thành những ý tưởng hay, phục vụ cho nhiệm vụ chuyên môn cũng như công tác PCCCR. Những kinh nghiệm quý báu đó sẽ góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra và giảm được sức lao động, cường độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức kiểm lâm. Từ đó sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top