Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng ở Nậm Pồ

09:47 - Thứ Hai, 06/03/2023 Lượt xem: 2222 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được huyện Nậm Pồ quan tâm thực hiện và đạt những kết quả nhất định, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và các chủ rừng. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng, nhất là trong năm vừa qua số vụ phá rừng tăng cao khiến việc quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cán bộ Hạt Kiểm huyện Nậm Pồ tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ, phát triển rừng cho người dân xã Nà Hỳ.

Ông Nguyễn Đình Lương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: Toàn huyện hiện có hơn 64.567ha đất có rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,17%. Diện tích đất có rừng rộng nhưng lại phân bố không đồng đều, hầu hết diện tích rừng nằm ở vị trí có địa hình phức tạp, chia cắt, giao thông đi lại không thuận lợi nên việc quản lý, bảo vệ hết sức khó khăn. Trong khi đó, đa số người dân sinh sống trên địa bàn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức còn hạn chế, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, ruộng nước ít, tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu làm nương rẫy nên vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác. Thêm vào đó, do nhu cầu làm nhà ở bằng gỗ của người dân vẫn còn cao; một số lao động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 không có việc làm phải quay trở về địa phương để sản xuất cũng khiến tình trạng phá rừng gia tăng.

Mặt khác, các đối tượng phá rừng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi như cho mượn, chuyển nhượng, sang bán đất rừng; trốn tránh, không hợp tác, khai báo gian dối, chống đối lực lượng chức năng; thậm chí một số đối tượng nhờ người nhà, người thân nhận hộ một phần diện tích phá rừng nhằm chia nhỏ hành vi để được xử lý vi phạm hành chính… Trong khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng không đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay. Hạt Kiểm lâm huyện hiện có 16 đồng chí kiểm lâm địa bàn, trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn phải tham mưu quản lý bảo vệ khoảng 4.000ha rừng. Đáng nói, chính quyền một số xã chưa thực hiện hết trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng, còn coi nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng là nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn kiểm lâm, chưa cương quyết ngăn chặn việc khai thác rừng, phá rừng, gây cháy rừng; việc cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ở một số xã, bản còn mang tính hình thức, chưa chủ động thực hiện các nhiệm vụ đã cam kết; ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận người dân, chủ rừng chưa cao, khi phát hiện phá rừng còn bao che, không báo cáo kịp thời cho cấp có thẩm quyền xử lý… Những khó khăn trên đã khiến tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Nậm Pồ gia tăng trong thời gian qua. Năm 2022, trên địa bàn huyện xảy ra 88 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp (tăng 53 vụ so với năm 2021); trong đó, hành vi phá rừng trái pháp luật 84 vụ, vận chuyển lâm sản trái pháp luật 2 vụ, tàng trữ lâm sản trái pháp luật 1 vụ và vi phạm các quy định về hồ sơ trong vận chuyển lâm sản 1 vụ. Tổng số tang vật tạm giữ 10 tấm, lóng gỗ thông thường có khối lượng 3,031m3; số tang vật, phương tiện, công cụ tịch thu xung công quỹ nhà nước gồm 3 cá thể động vật rừng, 83kg sản phẩm động vật rừng và 54 dao phát. Đến nay, 100% các vụ vi phạm đã được xử lý; trong đó, xử lý hành chính 57 vụ và khởi tố 31 vụ, tổng số tiền phạt hơn 2,4 tỷ đồng, đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 200 triệu đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Lương, để khắc phục khó khăn trên, làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ phối hợp với các cơ quan, ban, ngành huyện và UBND các xã đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của nhân dân về bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện tốt quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR giữa các lực lượng công an, quân sự, kiểm lâm trên địa bàn. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; chỉ đạo kiểm lâm địa bàn tham mưu cho các xã xây dựng kế hoạch cụ thể cho ban chỉ huy PCCCR cấp xã và tổ tuần tra bảo vệ rừng cấp xã để làm tốt công tác bảo vệ rừng; chủ động hướng dẫn người dân cách phát nương và chỉ ranh giới rừng ngoài thực địa để ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng; tham mưu cho UBND huyện đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng trên địa bàn; vận động các chủ rừng thường xuyên tuần tra nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm... Từ đó, bảo vệ và phát triển diện tích rừng trên địa bàn, hạn chế tình trạng phá rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.

Bài, ảnh: Huyền Lâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top