ĐBP - Thời gian qua Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh giữa 3 tỉnh Điện Biên - Sơn La - Lai Châu. Nhờ đó kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; nâng cao nhận thức bảo vệ rừng cho người dân, cộng đồng sinh sống ở khu vực giáp ranh.
Khu vực giáp ranh giữa tỉnh Điện Biên với Sơn La và Lai Châu gồm 20 huyện, thị xã với 56 xã, phường (trong đó, giáp ranh với Lai Châu 10 huyện, thị xã, với 27 xã, phường; giáp ranh với tỉnh Sơn La 10 huyện, 29 xã). Tổng diện tích tự nhiên vùng giáp ranh hơn 704.181ha, trong đó diện tích đất có rừng hơn 423.000ha. Rừng khu vực giáp ranh có trữ lượng, chất lượng rừng cao, tính đa dạng sinh học phong phú, lưu giữ nhiều nguồn gen quý, hiếm cần đặc biệt quan tâm bảo vệ như: Nghiến, pơ mu, thông tre lá dài, sâm Lai Châu, tam thất hoang, thất diệp nhất chi hoa; gấu chó, gấu ngựa, beo lửa, mèo rừng, gà lôi tía...
Tuy nhiên, địa hình khu vực giáp ranh chia cắt phức tạp, hiểm trở, độ dốc lớn, khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm và công tác huy động người dân tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Bên cạnh đó, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chủ yếu canh tác trên nương, phần lớn không có việc làm ổn định, hết mùa sản xuất người dân thường vào rừng thu hái tận dụng lâm sản. Đồng thời vẫn còn tình trạng xâm canh, xâm cư, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng, phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, gây áp lực lớn đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phòng cháy chữa cháy rừng.
Trên cơ sở quy chế phối hợp với kiểm lâm 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm có diện tích rừng giáp ranh xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin về các hoạt động khai thác, mua, bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ rừng, không xâm canh, xâm cư trái phép; tích cực tham gia quản lý bảo vệ rừng, không khai thác, chặt phá rừng, săn bắn, bẫy bắt động vật rừng và buôn bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Công tác trao đổi thông tin được duy trì thường xuyên. Các hạt kiểm lâm vùng giáp ranh thường xuyên thông tin cho nhau về đối tượng vi phạm để cùng phối hợp kiểm tra, xác minh, xử lý trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Điển hình như Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền 2 huyện trao đổi và giải quyết việc tranh chấp đất đai giữa bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) và các bản: Nậm Ngà, Pà Khà, Pa Tết, xã Tà Tổng (huyện Mường Tè). Kết quả đã vận động 75 hộ, 436 khẩu của bản Pa Tết (Mường Tè) chuyển sang xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé), bảo vệ tốt rừng giáp ranh, không xảy ra tình trạng phá rừng.
Do thực hiện thường xuyên công tác phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh nênà những năm qua rừng được bảo vệ tốt, các vụ chặt phá, khai thác rừng trái phép cơ bản đã được kiểm soát, không xảy ra vụ cháy rừng nào. Từ năm 2021 đến nay, các bên đã tổ chức phối hợp tuần tra chung được 27 lần với 228 lượt người tham gia. Qua đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và làm rõ nhiều vụ việc tác động xấu đến rừng. Đơn cử như kiểm lâm 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La thành lập tổ công tác liên ngành phối hợp giải quyết vụ việc người dân bản Noong É, xã Mường Lói (huyện Điện Biên) sang phá rừng làm nương tại mốc 146 thuộc xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La).
Nhờ đẩy mạnh quy chế phối hợp, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng được nâng cao; nhiều mô hình quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng gắn với phát triển nông thôn, tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng được nhân rộng, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân. Nhờ đó những năm qua diện tích rừng tại các khu vực giáp ranh giữa Điện Biên với các tỉnh khác được giữ vững, không xảy ra tình trạng phá rừng, góp phần chung vào công tác bảo vệ, phát triển rừng toàn tỉnh; đến nay toàn tỉnh có hơn 407.000ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 44,8%.