Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Những người giữ rừng ở Hạ Thanh

17:50 - Thứ Năm, 23/03/2023 Lượt xem: 2913 In bài viết

ĐBP - Đã gần 30 năm trôi qua, nhưng hơn 40ha rừng trồng và rừng tái sinh tại 7 bản ở khu vực Hạ Thanh của xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, vẫn luôn được bảo vệ toàn vẹn. Điều đáng nói là, để có được những cánh rừng xanh bạt ngàn như hôm nay, toàn bộ công sức từ khâu trồng cây gây rừng đến chăm sóc và bảo vệ, hầu hết đều do những người cao tuổi thực hiện. 

Một buổi tuần tra bảo vệ rừng của Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh.

Ông Lò Văn Cu là 1 trong 12 thành viên đầu tiên của tổ hưu trí tham gia trồng và bảo vệ rừng ở 7 bản khu vực Hạ Thanh, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên. 8 người bạn đồng hành của ông đã lần lượt nằm yên nghỉ dưới những cánh rừng xanh ngút ngàn của bản. Ông Cu thì nay đã bước qua tuổi 80, mắt đã mờ, lưng đã mỏi và đôi chân không còn nhanh nhẹn, nhưng cũng vừa mới bàn giao trọng trách Chi hội trưởng Người cao tuổi (NCT) tham gia bảo vệ rừng Hạ Thanh cho thành viên khác được vài tháng. Công việc thì đã bàn giao, nhưng hằng ngày đôi mắt ông vẫn luôn hướng về những cánh rừng xanh, nơi mà bản thân ông đã gần 30 năm gắn bó.

Nhớ lại những ngày mới gây rừng, ông Lò Văn Cu chia sẻ: Năm 1994, sau khi nhà nước cho nghỉ chế độ, 12 thành viên của tổ hưu trí liên bản khu vực Hạ Thanh, xã Thanh Nưa, đã khoanh nuôi hơn 7ha đất để trồng rừng. Khi ấy, do không có kinh phí nên các thành viên đã bàn nhau nhặt hạt xoan về đào hố để trồng, nhưng tỷ lệ sống không đáng kể. Đang loay hoay tìm cây giống mới thì Nhà nước có Chương trình 327 về phủ xanh đất trống đồi trọc, Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh đã làm đơn xin hợp đồng trồng rừng và được giao hơn 10ha đất trống đồi trọc; đồng thời còn được hỗ trợ một số loại cây giống để trồng rừng. Từ  hơn 10ha ban đầu, rồi sau đó là 30ha và đến nay là hơn 40ha đất trống đồi trọc ở khu vực Hạ Thanh, đều đã được phủ xanh bởi rừng.

Tuy nhiên, không phải cứ trồng cây là sẽ thành rừng. Và đối với diện tích rừng đã giao khoán cho Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh cũng vậy. Với diện tích rừng lớn, lại là những người đã có tuổi nên để bảo vệ, chăm sóc rừng hiệu quả, các thành viên Chi hội đã vận động người thân trong gia đình, hàng xóm cùng tham gia trồng và bảo vệ rừng. Để có được cánh rừng xanh như ngày hôm nay, mỗi ngày Chi hội phân công thành viên có trách nhiệm tuần tra, bảo vệ rừng. Từ trung tâm cụm bản đến điểm xa nhất trên diện tích được giao quản lý, địa hình chủ yếu là đồi núi, để đến thực địa, NCT khu vực Hạ Thanh phải đi bộ mất cả buổi, nhưng nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng chưa bao giờ họ buông lỏng. Trong quá trình tuần tra, khi phát hiện những cây gỗ bị gẫy đổ do thiên tai, họ đều chủ động trồng giặm lại. Việc chặt tỉa cành, thu gom những thân gỗ gẫy đổ về làm củi đốt, cũng đều phải thông báo để tổ nắm và quản lý chặt chẽ.

Các thành viên Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh phát dọn thực bì phòng cháy rừng mùa khô.

Ông Lò Văn Cột, Chi hội trưởng NCT khu vực Hạ Thanh, xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên chia sẻ: Sau khi được giao rừng, Hội đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) Quản lý, bảo vệ rừng khu vực Hạ Thanh, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng hàng năm. Các chi hội xây dựng quy ước, hương ước liên quan đến quản lý, bảo vệ rừng. Câu lạc bộ chia làm 6 tổ, mỗi tổ chịu trách nhiệm đi tuần tra rừng trong 1 tháng. Nhờ vậy trên diện tích được giao của Hội chưa xảy ra cháy rừng hay vụ chặt phá rừng trái pháp luật nào.

Giờ đây, các thành viên Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh tham gia quản lý, bảo vệ rừng, người cao tuổi nhất đã bước sang tuổi 80, còn người ít nhất cũng đã ngoài 60 tuổi. Ở cái tuổi đáng ra là được nghỉ ngơi, được đón nhận sự chăm sóc phụng dưỡng của con cháu và người thân trong gia đình, nhưng họ lại chọn một công việc đòi hỏi nhiều sức khỏe và thời gian, nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Hình dung đến việc tuần tra hơn 42ha rừng, nhiều người trẻ tuổi không khỏi nản chí, nhưng đối với các thành viên Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh lại như một cuộc dạo bộ rèn luyện sức khỏe. Đó không chỉ bởi họ đã quen thuộc với công việc này, mà còn vì tình yêu với đất với rừng. Sau 29 năm, những cánh rừng nay đã khép tán, những cây xoan, cây keo, cây mỡ và rất nhiều loại cây rừng khác, do hội viên người cao tuổi khu vực Hạ Thanh trồng chăm sóc bảo vệ, đã vươn mình phát triển cao lớn, nhiều thân gỗ 1 người ôm không xuể. Đó là thành quả, là biết bao công sức, mồ hôi và cả tâm huyết của những hội viên người cao tuổi khu vực Hạ Thanh.

2 năm trở lại đây, Chi hội NCT khu vực Hạ Thanh, xã Thanh Nưa được trả số tiền hơn 30 triệu đồng, từ Quỹ Chi trả dịch vụ môi trường rừng. Toàn bộ số tiền này đều được dùng chi cho các hoạt động phúc lợi xã hội của địa phương. Mô hình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng của Chi Hội NCT khu vực Hạ Thanh cũng được xã Thanh Nưa chọn làm mô hình điểm để nhân rộng, thành lập các chi hội và cộng đồng bảo vệ rừng khác. Từ đó, phát huy được sức mạnh của cộng đồng trong bảo vệ rừng. Đến hết năm 2022, độ che phủ rừng của xã Thanh Nưa đạt 58,52%, tăng 4,01% so với năm 2021.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top