Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Quản lý, bảo vệ để hưởng lợi từ rừng

10:43 - Thứ Hai, 10/04/2023 Lượt xem: 1848 In bài viết

ĐBP - Trồng, quản lý và bảo vệ rừng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Những năm qua, ngành chuyên môn, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc đã quan tâm, tích cực triển khai và tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. Và người dân sinh sống gần với rừng chính là “cánh tay nối dài” của lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Cán bộ kiểm lâm hướng dẫn biện pháp bảo vệ rừng đến người dân xã Hua Thanh, huyện Điện Biên.

Cộng đồng bản Nghịu, xã Pá Khoang (TP. Điện Biên Phủ) được giao quản lý bảo vệ gần 80ha rừng sản xuất và rừng đặc dụng. Mỗi người dân trong bản đều có nhận thức bảo vệ rừng chính là bảo vệ môi trường sống của cả cộng đồng, góp phần đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt nên ai cũng có ý thức trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng. Hàng tuần, các gia đình trong bản luân phiên bố trí thành viên tham gia phát dọn đường băng cản lửa và tuần tra bảo vệ diện tích rừng được giao từ 2 - 3 lần. Khi phát hiện thân gỗ gãy đổ, hoặc sự tăng giảm diện tích rừng, các tổ đều kiểm kê cụ thể để báo kiểm lâm địa bàn nắm bắt kịp thời.

Anh Lường Văn Dương, Trưởng bản Nghịu chia sẻ: “Để quản lý tốt diện tích rừng hiện có, chúng tôi tổ chức họp bản thống nhất ký cam kết bảo vệ rừng với quy định nếu gia đình nào để trâu bò vào rừng phá cây rừng, sẽ phạt. Mỗi cây bị thiệt hại là 50.000 đồng và phải trồng lại cây, vì vậy người dân chấp hành rất tốt”.

Bản Nghịu chỉ là một trong số nhiều cộng đồng dân cư trong toàn tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở trong thực hiện công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ được vai trò, sự cần thiết của việc trồng rừng, bảo vệ rừng nên bà con đồng thuận, tích cực tham gia.  

Tỉnh ta có gần 700.000ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó có trên 400.000ha diện tích đất có rừng. Để giữ vững diện tích rừng hiện có, Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền quy định pháp luật về lâm nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng, nhằm hạn chế thấp nhất các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức được 800 buổi tuyên truyền về Luật Lâm nghiệp tại cộng đồng, thu hút gần 22.000 lượt người tham gia.

Ông Trần Đức Quyền, Phó trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, ngoài áp dụng các chế tài xử lý vi phạm, thì công tác tuyên truyền vẫn là giải pháp nòng cốt mang tính bền vững. Do vậy, thời gian qua, Chi cục đã tăng cường chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với các địa phương có rừng tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho nhân dân các dân tộc. Hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp đã làm giảm áp lực cho chính quyền cơ sở, lực lượng Kiểm lâm trong công tác ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng.

Quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng, tích cực tham gia trồng rừng, nhiều cộng đồng, tổ chức, cá nhân đã được hưởng lợi ích từ rừng. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 407.423,966ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, tổng số tiền tạm ứng năm 2022 là trên 88,5 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top