Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Chuẩn bị trồng rừng năm 2023

14:01 - Thứ Tư, 10/05/2023 Lượt xem: 1971 In bài viết

ĐBP - Năm 2023, theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của UBND tỉnh giao, toàn tỉnh trồng mới 453,07ha rừng tập trung. Trong đó có 165ha rừng phòng hộ; 250ha rừng sản xuất và 38,07ha rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác. Hiện nay, chuẩn bị bước vào mùa mưa, các địa phương được giao kế hoạch đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị, sẵn sàng xuống giống đảm bảo tiến độ.

Công nhân Công ty Cổ phần Giống lâm nghiệp Trung ương, Chi nhánh tại Điện Biên chuẩn bị cây giống phục vụ công tác trồng rừng năm 2023.

Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Hiện nay, các huyện đã cơ bản hoàn thành công tác họp dân, tuyên truyền, vận động đăng ký trồng rừng. Chủ đầu tư các dự án đang triển khai bước khảo sát thiết kế ngoài thực địa. Đồng thời, hướng dẫn người dân phát dọn thực bì, đào hố; chuẩn bị cây giống phục vụ công tác trồng rừng. Theo báo cáo tổng hợp từ các huyện, năm 2023 trồng rừng phòng hộ và rừng thay thế nhiều khả năng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra. Đối với trồng rừng sản xuất, hiện tại người dân đăng ký diện tích trồng chưa đạt theo kế hoạch UBND tỉnh giao.

Năm 2023, UBND tỉnh giao kế hoạch trồng mới 165ha rừng phòng hộ tại 3 huyện: Tuần Giáo 50ha; Mường Ảng 55ha và Mường Chà 60ha. Kế hoạch trồng rừng phòng hộ chủ yếu giao cho các huyện có Ban Quản lý rừng phòng hộ bởi vì các ban được UBND tỉnh giao quản lý một số diện tích đất thuộc quy hoạch trồng rừng phòng hộ. Đồng thời, đây là các đơn vị chuyên môn chuyên sâu nên việc triển khai các dự án trồng rừng đạt hiệu quả cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhiều hộ dân đang canh tác trên phần lớn diện tích đất lâm nghiệp đã được giao cho các Ban Quản lý rừng phòng hộ. Việc vận động người dân chuyển đổi từ canh tác lúa nương, ngô sang trồng rừng rất khó khăn.

Ông Phạm Quốc Huy, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Tuần Giáo cho biết: Toàn bộ diện tích rừng phòng hộ dự kiến trồng mới năm 2023 đều nằm ngoài diện tích quản lý của Ban. Đến nay công tác chuẩn bị trồng rừng đã cơ bản hoàn thành. Ngay từ đầu năm Ban đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn trên địa bàn rà soát, xác định những vùng, khu vực có thể triển khai trồng rừng tập trung. Sau đó, các tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở, họp dân, tuyên truyền, phổ biến chính sách, lợi ích của việc trồng rừng, vận động người dân đăng ký tham gia các dự án trồng rừng. Đến nay, tổng diện tích đăng ký trồng rừng phòng hộ cơ bản đã đáp ứng đủ kế hoạch đề ra. Ban đang triển khai đo đạc, thiết kế ngoài thực địa; hướng dẫn người dân đào hố, kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng mới... Dự kiến cuối tháng 6/2023 sẽ tiến hành xuống giống, phấn đấu đến hết tháng 7/2023 hoàn thành 100% kế hoạch.

Tương tự, tại các huyện: Mường Ảng và Mường Chà, công tác chuẩn bị trồng rừng phòng hộ đã cơ bản hoàn thành.

Ông Kiều Xuân Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: 55ha rừng phòng hộ được triển khai trồng tại 2 xã: Ẳng Cang và Mường Đăng; 70ha rừng sản xuất trồng tại xã Búng Lao. Đến nay, công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Huyện Mường Ảng đã sẵn sàng cho mùa trồng rừng năm 2023 với quyết tâm hoàn thành 100% kế hoạch UBND tỉnh giao.

Việc triển khai các dự án trồng rừng sản xuất không được thuận lợi như các dự án trồng rừng phòng hộ. Hiện nay, các địa phương vẫn đang gặp khó khăn trong việc vận động người dân đăng ký do suất đầu tư các dự án trồng rừng sản xuất thấp hơn khá nhiều so với suất đầu tư dự án trồng rừng phòng hộ và trồng rừng thay thế. Tại các huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo, Mường Chà phần lớn diện tích đất của người dân đã chuyển đổi sang trồng cao su, mắc ca, dứa... dẫn đến thiếu diện tích đất trồng rừng; các hộ dân thiếu nhân lực để thực hiện việc trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng. Năm 2023 kế hoạch trồng rừng sản xuất UBND tỉnh giao là 250ha tại 4 huyện: Mường Chà 100ha; Mường Ảng 70ha, Tuần Giáo 50ha và Mường Nhé 30ha. Đến nay, chỉ có huyện Mường Ảng cơ bản đã chuẩn bị đủ diện tích trồng rừng; còn các huyện: Mường Chà, Mường Nhé và Tuần Giáo vẫn đang trong quá trình vận động người dân đăng ký tham gia. Đơn cử huyện Tuần Giáo đến thời điểm này mới chuẩn bị được khoảng 10/50ha phục vụ các dự án trồng rừng sản xuất. Với tình hình này, nhiều khả năng huyện Tuần Giáo không thể hoàn thành kế hoạch trồng rừng sản xuất.

Dự kiến, các địa phương tiến hành xuống giống từ cuối tháng 6 đến hết tháng 7/2023; song tùy tình hình chuẩn bị và căn cứ vào điều kiện thời tiết có thể điều chỉnh thời gian trồng rừng phù hợp.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top