Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Tái diễn tình trạng phá rừng làm nương

08:48 - Thứ Hai, 24/07/2023 Lượt xem: 2977 In bài viết

ĐBP - Thời gian gần đây, tình trạng phá rừng làm nương vẫn diễn ra tại một số huyện; trong đó nhiều vụ việc vượt quá mức xử lý vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội hủy hoại rừng. Dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên tình trạng phá rừng làm nương của người dân vẫn tiếp diễn phức tạp, khiến cho nhiều cánh rừng bị xâm lấn nghiêm trọng.

Tổ công tác liên ngành thực hiện kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng trên địa bàn huyện Điện Biên.

Từ cuối năm 2022 đến hết tháng 6 năm 2023, xã Na Ư đã trở thành một trong những “điểm nóng” về tình trạng xâm hại, chặt phá rừng làm nương trên địa bàn huyện Điện Biên. Cơ quan chức năng và chính quyền địa phương đã phát hiện 11 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích khá lớn. UBND xã Na Ư đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tích cực tuần tra, kiểm tra rừng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vụ vi phạm. Tuy nhiên, nhiều vụ phá rừng vẫn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân về việc thiếu đất sản xuất dẫn đến phá rừng. Đầu năm nay, bản Con Cang xảy ra 1 vụ phá rừng trái pháp luật, khiến hơn 9.000m2 rừng phòng hộ đã giao cho cộng đồng bản quản lý và bảo vệ bị thiệt hại.

Ông Và A Tổng, Trưởng bản Con Cang cho biết: Nguyên nhân xảy ra các vụ phá rừng là do người dân thiếu đất sản xuất. Chính vì vậy, đề nghị Tổ công tác liên ngành có ý kiến cấp có thẩm quyền phân định rõ ranh giới khu vực làm nương của người dân, không để xảy ra tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất tái diễn trên địa bàn.

Từ đầu năm cho đến ngày 28/6, trên địa bàn huyện Điện Biên xảy ra 40 vụ phá rừng trái pháp luật, tập trung ở các xã: Pa Thơm, Mường Lói và Na Ư. Đây là các xã có tỷ lệ quy hoạch đất lâm nghiệp khá cao trong huyện; đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng trái pháp luật diễn biến phức tạp trong thời gian qua. Ông Lê Văn Quý, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên lý giải: Hiện nay, người dân trên địa bàn không có ngành nghề, cùng với tập quán canh tác phụ thuộc nhiều vào làm nương đã dẫn đến tình trạng phá rừng lấy đất làm nương. Trong khi đó, một số xã lại có diện tích quy hoạch đất lâm nghiệp lớn; đơn cử như các xã: Pa Thơm (chiếm 93,14%), Mường Lói (chiếm 73,87%) và Na Ư (chiếm 72,92%) nên khó tránh khỏi việc thiếu đất sản xuất. Vì vậy gần đây huyện Điện Biên đã đưa ra ngoài quy hoạch hơn 9.500ha đất lâm nghiệp nhằm phục vụ nhu cầu đất sản xuất của người dân. Đồng thời, thành lập Tổ công tác liên ngành thực hiện kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng trên địa bàn một số xã thuộc huyện, nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng trái pháp luật, vi phạm công tác quản lý và bảo vệ rừng…

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã phát hiện 253 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 3 vụ (tăng 1,2%) so với cùng kỳ năm 2022; trong đó có 158 vụ việc phá rừng trái pháp luật, gây thiệt hại 72,699ha. Trên địa bàn một số huyện như: Nậm Pồ, Điện Biên, tình hình phá rừng lấy đất sản xuất có diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc vi phạm có dấu hiệu phá rừng tập thể, người dân bao che, không tố giác tội phạm, cản trở, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý các vụ vi phạm.

Ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: Đời sống của đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng cao còn nhiều khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến bà con chưa quan tâm đến việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Tập quán canh tác sản xuất trên nương, xen lẫn với rừng, làm nhà bằng gỗ, sử dụng củi làm chất đốt đã ảnh hưởng lớn đến việc quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy chữa cháy rừng. Mặt khác nhu cầu đất sản xuất của người dân tăng mà tỷ lệ đất quy hoạch lâm nghiệp lại chiếm khá cao. Năng lực quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng còn hạn chế, thiếu trách nhiệm, một số trường hợp còn có dấu hiệu bao che cho đối tượng vi phạm. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong điều tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về lâm nghiệp tại một số địa phương chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; lực lượng kiểm lâm mỏng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế… Đó là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn còn tiếp diễn tại một số địa bàn.

Xác định được các nguyên nhân đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng trái pháp. Đặc biệt là tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp cho nhân dân. Đồng thời, thường xuyên bám nắm địa bàn để kịp thời phát hiện các vụ vi phạm, xâm hại đến rừng; qua đó xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật...

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top