Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Khi trách nhiệm của chủ rừng được phát huy

10:11 - Thứ Năm, 27/07/2023 Lượt xem: 2587 In bài viết

ĐBP - Sau giao đất giao rừng đã xác định được diện tích rừng, đất rừng cụ thể của từng chủ rừng trên cơ sở pháp lý. Các chủ rừng cũng thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình trong thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ vậy việc giữ rừng và phát triển rừng của các địa phương thêm phần hiệu quả.

Người dân bản San Suối, xã Hừa Ngài nghe tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa hiện có 2.964ha đất có rừng. Xác định việc giao đất giao rừng sẽ góp phần nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, UBND xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể đến thôn, bản, tuyên truyền và rà soát ngoài thực địa tại 13/13 thôn bản trên địa bàn xã. Đến hết năm 2022, xã Sính Phình đã có 8 cộng đồng và 26 hộ gia đình, cá nhân được giao đất giao rừng, với tổng diện tích hơn 236,5ha. Trong quá trình giao đất, giao rừng, người dân còn được tập huấn và hiểu rõ quyền cũng như nghĩa vụ của họ trong quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Sùng A Khày, Chủ tịch UBND xã Sính Phình cho biết: Trên cơ sở các quy định của pháp luật về trách nhiệm của chủ rừng, nhất là từ khi các chủ rừng được giao đất, giao rừng, cộng thêm những lợi ích từ rừng mang lại nên hầu hết các chủ rừng, từ tổ chức, cộng đồng đến cá nhân đều đề cao trách nhiệm để hạn chế những xâm hại về rừng. Điển hình như năm 2022, trên địa bàn xã không có vụ nào phải xử lý vi phạm về Luật Lâm nghiệp. Xã cũng chú trọng củng cố và kiện toàn Ban Chỉ huy Quản lý bảo vệ rừng - Phòng cháy chữa cháy rừng cấp xã với 29 thành viên; kiện toàn lại 13 tổ, đội quản lý bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng ở các thôn với 228 thành viên. Khi ý thức bảo vệ rừng của người dân ngày càng được nâng lên thì rừng cũng ngày càng được bảo vệ tốt hơn. Tỷ lệ che phủ rừng của xã đến hết năm 2022 là 42,28% tăng 0,33% so với năm 2021.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 4.200 chủ rừng, trong đó, hơn 3.000 chủ rừng là hộ gia đình, trên 1.000 chủ rừng là cộng đồng, gần 50 chủ rừng là UBND xã, các chủ rừng còn lại là các tổ chức khác được nhà nước giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng. Theo quy định tại Điều 74 Luật Lâm nghiệp, các chủ rừng có những quyền hạn nhất định. Đơn cử như được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng; giao đất, cho thuê đất để trồng rừng; tự phục hồi, phát triển rừng; nhận chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế rừng theo quy định của pháp luật. Đi cùng với quyền lợi, các chủ rừng có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng theo quy định của pháp luật; trả lại rừng khi Nhà nước thu hồi rừng theo quy định; bảo tồn đa dạng sinh học rừng, thực vật rừng, động vật rừng; chấp hành sự quản lý, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; thực hiện nghĩa vụ tài chính và các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Sính Phình kiểm tra công cụ chữa cháy rừng được giao cho cộng đồng.

Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà hiện đang được giao quản lý tổng diện tích hơn 12.749ha, trong đó, diện tích đất có rừng gần 7.435ha. Xác định diện tích rừng bảo vệ lớn, địa hình hiểm trở vì nhiều diện tích rừng ở trên núi cao, do vậy, để công tác quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả, hàng năm Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã tổ chức hợp đồng giao khoán đến cộng đồng và cá nhân các hộ nhận khoán để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Theo đó, đơn vị đã hợp đồng giao khoán cho 6 cộng đồng bản tại xã Mường Tùng với diện tích hơn 2.964ha rừng phòng hộ; 2 cộng đồng thôn bản, 6 cá nhân hộ gia đình tại xã Huổi Lèng với trên 241,3ha và 5 cộng đồng thôn bản tại xã Hừa Ngài với diện tích khoảng 4.145ha; đơn vị quản lý hơn 83,8ha.

Ông Nguyễn Quốc Thắng, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà cho biết: Để nâng cao nhận thức của người dân về quản lý, bảo vệ rừng, hạn chế đến mức thấp nhất vi phạm tới rừng, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, các chủ rừng, ký cam kết quản lý bảo vệ và làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy để phát triển rừng. Cùng với đó, đơn vị đã chủ động ký hợp đồng ủy thác với ngân hàng thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho các cộng đồng, người dân nhận khoán. Năm 2023 đơn vị thanh toán chi trả đến cộng đồng, hộ nhận khoán trên 5,4 tỷ đồng tiền giao khoán bảo vệ rừng năm 2022 cho 13 cộng đồng bản và 6 hộ gia đình. Việc chi trả kịp thời đã giúp các hộ dân tăng thu nhập, đồng thời còn hạn chế được tình trạng xâm hại tài nguyên rừng.

Những nỗ lực của các chủ rừng trên cơ sở vai trò, trách nhiệm của mình đã góp phần quan trọng để Điện Biên làm tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trong những năm qua. Tuy nhiên, đối với không ít chủ rừng, nhất là với chủ rừng là cộng đồng, nhiều hộ dân trong cộng đồng chưa nắm rõ những quyền lợi và trách nhiệm của mình khi được giao đất, giao rừng. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới các vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng hoặc vi phạm về sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực trạng này đã và đang được các cơ quan chức năng cũng như chính quyền các cấp ở tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện các biện pháp khắc phục.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top