Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Sớm gỡ khó giao đất giao rừng để quản lý rừng hiệu quả

14:50 - Thứ Ba, 26/09/2023 Lượt xem: 2961 In bài viết

ĐBP - Ngày 20/9/2019, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Kế hoạch số 2783 về “Rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023”. Kế hoạch đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2023, toàn tỉnh phải hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp GCNQSDÐ lâm nghiệp tỉnh, qua 4 năm, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều triển khai, thực hiện chậm, nhất là đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng.

Người dân xã Nà Hỳ phối hợp cùng kiểm lâm địa bàn đi tuần tra diện tích rừng được giao quản lý.

Nậm Pồ hiện là huyện có diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng lớn nhất tỉnh với hơn 63.651ha tại 15 xã. Theo kế hoạch, đến 30/11/2023, huyện Nậm Pồ sẽ hoàn thành việc giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng. Tuy nhiên, tiến độ hiện nay đang chậm so với kế hoạch. Cụ thể, tính đến ngày 12/9/2023, toàn huyện mới có 2/15 xã đã hoàn thành và được phê duyệt phương án giao đất, giao rừng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng, gồm Nậm Khăn và Chà Tở, với diện tích khoảng 6.400ha. Duyệt trích đo bản đồ mảnh trích đo địa chính có 7 xã đã hoàn thành, gồm: Nậm Khăn, Chà Cang, Chà Tở, Nậm Tin, Pa Tần, Nà Khoa, Na Cô Sa. 8 xã còn lại hiện đang hoàn thiện hồ sơ, dự kiến đến tháng 10/2023 huyện sẽ hoàn thiện hồ sơ kèm theo mảnh trích đo trình Sở TN&MT kiểm tra, phê duyệt.

Ông Bùi Văn Luyện, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Để công tác giao đất, giao rừng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng của địa phương đạt chỉ tiêu kế hoạch, phấn đấu hoàn thành việc giao giấy chứng nhận cho 100% hộ trên địa bàn toàn huyện trong tháng 1/2024, huyện đã đề nghị các xã và thành viên Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc tiếp tục tuyên truyền vận động người dân phối hợp trong công tác đo đạc ngoài thực địa và cung cấp thông tin để làm sổ. Đối với các xã đã khoanh vẽ xong, cần tổ chức họp công khai kết quả đo đạc và xin ý kiến vào phương án giao đất lâm nghiệp chưa có rừng, thông qua HĐND cấp xã và lấy ý kiến các phòng, ban liên quan.

Kiểm lâm và người dân xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé kiểm tra thực địa giao đất giao rừng.

Triển khai Kế hoạch 2783, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn (2019 - 2023), sẽ thực hiện rà soát diện tích đất lâm nghiệp có rừng, đất lâm nghiệp chưa có rừng và chưa thực hiện giao đất giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích trên 366.000ha; trong đó đất lâm nghiệp có rừng là gần 32.000ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng là hơn 334.000ha.

Tuy nhiên, tính đến ngày 15/9/2023, các huyện, thị xã, thành phố mới tiến hành rà soát, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, đối với đất lâm nghiệp có rừng đã thực hiện được gần 80.000ha, đạt 93% kế hoạch; đối với đất lâm nghiệp chưa có rừng đã thực hiện trên 200.000ha, đạt 74%  kế hoạch. Trong đó có 8 đơn vị cấp huyện đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp có rừng với diện tích đạt gần 35.000ha, đạt tỷ lệ 40% và 4 đơn vị cấp huyện thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp chưa có rừng với diện tích gần 15.000ha, đạt 6% so với khối lượng theo kế hoạch. Những số liệu trên cho thấy, yêu cầu về tiến độ thực hiện Kế hoạch 2783 đang chậm so với mục tiêu đề ra.

Tại hội nghị đánh giá tình hình, tiến độ, kết quả tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 - 2023 trên địa bàn tỉnh, diễn ra vào ngày 16/9 mới đây, nhiều nguyên nhân khiến Kế hoạch 2783 chậm tiến độ đã được các đại biểu chỉ ra, như: Người dân còn tâm lý lo sợ khi giao đất để sử dụng vào mục đích lâm nghiệp; trong năm có nhiều đợt mưa kéo dài ảnh hưởng đến công tác rà soát, đo đạc tại thực địa; nguồn lực của một số đơn vị tư vấn tại một số huyện, thị xã, thành phố còn hạn chế dẫn đến tiến độ thực hiện đo đạc chậm; trên địa bàn huyện Mường Nhé, Nậm Pồ có một số diện tích thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp trùng với quy hoạch Đề án 79…

Trên thực tế, tại các địa bàn vùng cao vùng xa của tỉnh, việc quản lý sử dụng đất lâm nghiệp còn nhiều bất cập và thiếu đồng bộ; ở không ít khu vực dân cư nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vẫn còn xảy ra tranh chấp hoặc lấn chiếm đất lâm nghiệp để mở rộng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực ngắn ngày; nhiều diện tích đất có rừng, nhưng chưa được đưa vào quy hoạch 3 loại rừng nên chưa có cơ sở và căn cứ để thực hiện. Vì vậy, người dân vẫn chưa đồng thuận với chủ trương chung. Khi mà người dân không đồng thuận, không hợp tác thực hiện rà soát, kiểm đếm diện tích đất lâm nghiệp với lực lượng chức năng, thì lẽ đương nhiên là kế hoạch triển khai chậm tiến độ, hoặc vẫn còn giậm chân tại chỗ.

Cũng tại hội nghị đánh giá tình hình, tiến độ, kết quả tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp giai đoạn 2019 – 2023 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến, Trưởng Ban Chỉ đạo giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh đã nêu ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm đẩy nhanh tiến độ giao đất giao rừng. Cụ thể, sẽ tập trung theo hướng nơi nào còn vướng mắc, còn tranh chấp, chưa xác định được chủ rừng, sẽ khoanh lại, để tập trung thực hiện những chỗ dễ trước. Nơi nào khó thực hiện sau; tiến hành xác định rõ nội dung, mốc thời gian, tiến độ triển khai, phân công cụ thể trách nhiệm tổ chức thực hiện… để làm căn cứ kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xác định đây là hoạt động của cấp ủy, chính quyền, không được phó mặc cho đơn vị tư vấn; các địa phương chủ động trao đổi, phối hợp với các Tổ giúp việc của Ban Chỉ đạo tỉnh để được hướng dẫn, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện…

Mục tiêu quan trọng nhất mà Kế hoạch 2783 mà UBND tỉnh đặt ra, đó là khi hoàn thành việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, sẽ không chỉ góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân, cho cộng đồng, mà còn xác lập đích danh quyền quản lý đối với diện tích đất lâm nghiệp đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Để hướng tới mục tiêu đề ra, giải pháp mà tỉnh đang nỗ lực, quyết liệt chỉ đạo các ngành, các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện, đó là triển khai theo hình thức cuốn chiếu; triển khai thực hiện ở xã nào sẽ hoàn thành dứt điểm xã đó, đồng thời có công văn chỉ đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh, tăng cường phối hợp để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh thực hiện rà soát, hoàn chỉnh việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp đảm bảo đúng theo tiến độ đề ra.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top