Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Nhân lên màu xanh cho những cánh rừng

09:29 - Thứ Ba, 17/10/2023 Lượt xem: 2604 In bài viết

ĐBP - Cùng với việc quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, những năm gần đây, các địa phương, đơn vị và cơ quan chức năng trong toàn tỉnh đã chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển rừng. Việc trồng cây, gây rừng, phát triển diện tích rừng tái sinh không chỉ có ý nghĩa đối với hệ sinh thái tự nhiên, mà còn mang lại nguồn lợi cho người dân và cộng đồng và hơn thế là sẽ nhân rộng màu xanh cho rừng; góp phần tái tạo, phục hồi hệ sinh thái rừng.

Người dân huyện Nậm Pồ trồng cây quế trên những diện tích đồi, nương trọc.

Với hệ sinh thái rừng phong phú, nằm trải dài đến tận ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc, thuộc địa bàn 5 xã vùng đệm: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè (huyện Mường Nhé), rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé có vai trò hết sức quan trọng để che chắn, bảo vệ nhân dân khỏi thiên tai, mang đến bầu sinh thái trong lành; đồng thời mang lại nguồn thu nhập, lợi ích cho chủ rừng, cộng đồng thôn, bản tham gia giữ rừng. Với ý nghĩa quan trọng đó, cách đây 7 tháng, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (TN và MT), Bộ TN và MT trồng 40.000 cây xanh tại khoảnh 14, tiểu khu 61, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé). Nhờ làm tốt công tác chăm sóc và bảo vệ, đến nay diện tích cây trồng đã lên xanh, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng, tạo môi trường sống của các loài động, thực vật quý hiếm và rừng phát triển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé chia sẻ: Hiện nay, KBTTN Mường Nhé có tổng diện tích trên 46.700ha. Nhằm góp phần tái tạo, phục hồi, tái sinh rừng và hệ sinh thái, các thành viên Trung tâm Truyền thông TN và MT cũng như cán bộ đơn vị, chính quyền và nhân dân địa phương đã góp phần đưa hàng chục nghìn cây giổi và vối thuốc lên rừng phủ xanh đồi núi trọc. Để chương trình đạt hiệu quả, đơn vị đã phân công cán bộ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, nhân dân xã Sín Thầu bảo vệ tốt diện tích giổi, vối thuốc đã trồng. Nhờ vậy, hiện nay những diện tích cây trồng đều được bảo vệ nghiêm ngặt, phát triển tốt để sớm phủ một màu xanh cho rừng đặc dụng… góp phần nhân lên màu xanh cho những cánh rừng.

Nậm Pồ có tổng diện tích tự nhiên là 149.559,11ha; trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 120.664,66ha, diện tích đất có rừng 64.567,28ha với độ che phủ 43,17%. Để nhân lên màu xanh cho rừng, từ năm 2021 đến nay, huyện Nậm Pồ đã trồng mới trên 70ha cây trồng các loại có giá trị về kinh tế, nâng tổng số diện tích cây trồng toàn huyện lên hơn 330ha, gồm các loại cây như: Quế, mắc ca, giổi… Ngoài việc chú trọng “trồng cây, gây rừng”, huyện Nậm Pồ còn tập trung phát triển các diện tích khoanh nuôi tái sinh nhằm nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn. Ông Nguyễn Đình Lương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: Ngay từ đầu năm, Hạt Kiểm lâm đã tập trung chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, kiểm lâm địa bàn phối hợp với UBND các xã rà soát diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, trồng rừng. Hoàn thiện hồ sơ chứng từ nhận khoán khoanh nuôi tái sinh rừng không trồng bổ sung từ năm 2019 đến 2021 và thanh toán công nhận khoán cho các chủ rừng được giao nhận khoán quản lý, bảo vệ. Tiếp tục hợp đồng với các chủ rừng được giao nhận khoán khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên không trồng bổ sung từ 2019 đến 2021 theo quy định.

Nhiều diện tích trồng cây lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển xanh tốt
góp phần mang lại màu xanh cho những cánh rừng.

Tính riêng 9 tháng đầu năm nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thực hiện các hoạt động lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó thực hiện bảo vệ rừng tự nhiên 415.361,35ha (ước đạt 100% kế hoạch); khoanh nuôi tái sinh rừng: 17.918ha (100ha khoanh nuôi mới; còn lại là khoanh nuôi chuyển tiếp 17.818ha), đạt 111% kế hoạch; chăm sóc rừng chuyển tiếp 626,11ha; chuẩn bị hiện trường trồng rừng được 175ha/415ha (đạt 42,17%); phát triển lâm sản ngoài gỗ đã khảo sát, thiết kế được 54ha/100ha (đạt 54%); trồng lâm sản ngoài gỗ được 5ha/100ha (đạt 5%). Tổ chức gieo ươm trên 1,5 triệu cây giống các loại phục vụ trồng rừng và trồng cây phân tán trên địa bàn.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Triển khai thực hiện các hoạt động lâm sinh, các dự án trồng cây mắc ca, Chi cục đã tham mưu cho Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn phối hợp với các sở liên quan để tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ nguồn vốn đầu tư công Dự án Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, nguồn vốn trồng rừng thay thế cho các đơn vị. Chủ động tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện kế hoạch lâm nghiệp theo chỉ tiêu kế hoạch được UBND tỉnh giao. Căn cứ tình hình, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu ban hành văn bản, đôn đốc các địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tổ chức thực hiện để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch lâm nghiệp được giao. Kịp thời hướng dẫn, phúc đáp các nội dung vướng mắc của các địa phương, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện các chỉ tiêu lâm nghiệp; thẩm định, trình phê duyệt 03 công trình lâm sinh thuộc thẩm quyền của Sở. Đối với các dự án trồng cây mắc ca, đơn vị thường xuyên theo dõi tình hình phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các huyện được phân công theo dõi làm việc với các doanh nghiệp có dự án trồng cây mắc ca để nắm bắt tình hình thực hiện, khó khăn, vướng mắc gặp phải để hướng dẫn các nhà đầu tư điều chỉnh các nội dung dự án phù hợp với điều kiện thực hiện thực tế và kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư. Nhờ vậy, 09 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã tổ chức trồng 157ha cây mắc ca (doanh nghiệp thực hiện: 145ha; dân tự thực hiện: 12ha); chuẩn bị hiện trường được 1.333ha; tập kết được 63.894 cây giống mắc ca.

Với mục tiêu nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh lên 44% vào cuối năm 2023, hiện nay các địa phương, lực lượng chức năng đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng hiện có và diện tích rừng tăng thêm hàng năm. Đồng thời từng bước xây dựng ngành Lâm nghiệp của tỉnh trở thành một ngành kinh tế, đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho người dân; quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top