Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Mường Nhé bảo vệ rừng khu vực giáp ranh

14:52 - Thứ Năm, 01/02/2024 Lượt xem: 4309 In bài viết

ĐBP - Xác định công tác bảo vệ diện tích rừng giáp ranh là một nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương có diện tích rừng giáp ranh để giữ rừng. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện, xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp cũng như đẩy mạnh tuyên truyền tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức bảo vệ rừng của người dân, cộng đồng khu vực giáp ranh.

Lãnh đạo huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) và Mường Tè (tỉnh Lai Châu) tổ chức tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng tới người dân bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè.

Mường Nhé có tổng diện tích tự nhiên 156.908,13ha với 11 đơn vị hành chính xã (trong đó có 6 xã biên giới). Diện tích quy hoạch lâm nghiệp lớn (125.797,3ha), chiếm 80,17% diện tích tự nhiên của huyện, diện tích có rừng 86.770,86ha, với tỷ lệ che phủ rừng đạt 55,3%. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Mường Nhé đặc biệt chú trọng các khu vực rừng giáp ranh. Một trong những điểm tiềm ẩn nguy cơ về vi phạm lâm luật là khu vực giáp ranh giữa bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) với bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu). Tại đây đã từng xảy ra một số vụ phá rừng trái pháp luật, tính chất phá rừng phức tạp dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn cũng như điều tra, xác minh đối tượng vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bản Nậm Ngà (xã Tà Tổng) có hơn 80 hộ dân; trong đó đa số người dân sinh sống và canh tác sản xuất bên địa giới hành chính thuộc xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé). Theo cơ quan chức năng, khu vực này có khoảng 1.000ha rừng giáp ranh, song vì diện tích rừng thuộc quản lý của huyện Mường Nhé mà con người lại của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đó là một trong những nguyên nhân gây ra khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở vị trí giáp ranh này. Thế nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như cơ quan chức năng, đến nay người dân ở khu vực giáp ranh đã dần nâng cao ý thức giữ rừng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngô Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) cho biết: Sau điều chỉnh địa giới hành chính giữa 2 huyện Mường Nhé và Mường Tè, nhiều hộ dân thuộc xã Tà Tổng quản lý vẫn đang sinh sống trên địa bàn xã Huổi Lếch khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng của chính quyền địa phương gặp không ít vướng mắc. Một số người dân bản Nậm Ngà đã từng không đồng thuận, gây khó dễ đối với công tác tuần tra, bảo vệ rừng của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cấp ủy, chính quyền xã Huổi Lếch chủ động vào cuộc, phối hợp các đơn vị chuyên môn huyện Mường Nhé đẩy mạnh tuyên truyền; đồng thời huy động sức mạnh của lực lượng nòng cốt, đoàn thể chính trị xã hội, cán bộ, già làng, người có uy tín. Qua đó từng bước tạo chuyển biến nhận thức cho người dân, thu hút người dân tham gia bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng. Đến nay, đa số người dân bản Nậm Ngà đã ký cam kết giữ rừng và mong muốn nhận khoán bảo vệ, quản lý diện tích rừng trên địa bàn. Một bộ phận nhỏ chưa đồng thuận đang được chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động để bà con, cộng đồng bản chung tay giữ rừng…

Cán bộ, công chức các đơn vị tuần tra rừng tại khu vực giáp ranh giữa xã Quảng Lâm (huyện Mường Nhé) với xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ).

Đa số người dân đồng thuận, chung tay giữ rừng khu vực giáp ranh là tín hiệu đáng mừng về sự chuyển biến trong nhận thức của bà con dân bản. Bởi cách đây không lâu, tại khu vực rừng bản Nậm Ngà đã xảy ra 10 vụ phá rừng. Vậy mà chỉ sau một thời gian ngắn, bà con đã mong muốn được nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Kết quả này rất xứng đáng với những nỗ lực vào cuộc tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng huyện Mường Nhé.

Sự chuyển biến nhận thức giữ rừng của bà con bản Nậm Ngà chỉ là một trong số nhiều vị trí rừng giáp ranh tiềm ẩn nguy cơ về phá rừng, cháy rừng. Hiện nay, huyện Mường Nhé có khoảng 2.000ha rừng giáp ranh với các địa phương trong tỉnh và một số địa bàn của tỉnh Lai Châu. Ngoài điểm giáp ranh giữa xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) với xã Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) còn có 2 điểm giáp ranh lớn, như khu vực giáp ranh giữa xã Quảng Lâm và Nậm Kè (huyện Mường Nhé) với xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ); xã Leng Su Sìn và Sen Thượng (huyện Mường Nhé) với xã Mù Cả (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Tại các vị trí giáp ranh này, địa hình chia cắt phức tạp, hiểm trở, độ dốc lớn, khó khăn trong công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện xử lý vi phạm và công tác huy động người dân tham gia chữa cháy khi xảy ra cháy rừng. Để làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng giáp ranh, Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé luôn chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho quần chúng nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé Nguyễn Văn Úy gặp gỡ, trao đổi với nhân dân bản Nậm Ngà, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Anh Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mường Nhé cho biết: Đơn vị luôn đặt công tác tuyên truyền, vận động lên hàng đầu. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, các chủ rừng thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về rừng nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Thậm chí tuyên truyền rộng rãi cho cả người dân ở các địa phương khác sinh sống trên địa bàn huyện để mọi người cùng cộng đồng sức mạnh với nhân dân Mường Nhé giữ rừng. Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng trong huyện cũng như các địa phương lân cận trong tuyên truyền, xử lý các vụ việc liên quan đến bảo vệ rừng. Đặc biệt là phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) tham mưu cho cấp ủy chính quyền 2 huyện trao đổi và giải quyết việc tranh chấp đất đai giữa bản Cây Sặt, xã Huổi Lếch (huyện Mường Nhé) và các bản: Nậm Ngà, Pà Khà, xã Tà Tổng (huyện Mường Tè) nhằm từng bước bảo vệ tốt hơn khu vực rừng giáp ranh, không để xảy ra tình trạng phá rừng. Đơn vị bố trí, sắp xếp lực lượng tăng cường tuần tra ít nhất 2 lần/tuần trong những tháng cao điểm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, các vị trí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng. Với diện tích rừng đủ điều kiện giao đất, giao rừng, đơn vị đã phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tham mưu cho chính quyền địa phương giao nhân dân quản lý, bảo vệ. Đồng thời phân định rõ ràng, chỉ vị trí, địa điểm canh tác, sản xuất nương cụ thể cho nhân dân; tránh tình trạng người dân không biết vị trí canh tác rồi xâm canh, xâm cư, lấn chiếm, đốt phá rừng làm nương trái pháp luật…

Với sự vào cuộc tuyên truyền, vận động kết hợp đồng bộ các giải pháp, huyện Mường Nhé đã và đang từng bước làm thay đổi ý thức, trách nhiệm của nhân dân khu vực giáp ranh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ việc khó nhất trong bảo vệ rừng giáp ranh đã tạo chuyển biến thành công là cách làm có thể nhân rộng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng toàn tỉnh.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top