Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

14:25 - Thứ Tư, 28/02/2024 Lượt xem: 3172 In bài viết

ĐBP - Tỉnh Điện Biên hiện có hơn 415.000ha rừng. Từ sau tết Nguyên đán 2024, đặc biệt từ ngày 19/2 đến nay, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, gió Lào, các diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đều đang ở mức cảnh báo cháy từ cấp 4 đến cấp 5 - mức rất nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm. Hiện nay các địa phương, lực lượng chức năng đang tập trung nhân lực, khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).

Lực lượng chức năng, chủ rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa tăng cường tuần tra, kiểm soát phòng chống cháy rừng.

Nguy cơ cháy rình rập

Mặc dù chưa phải thời gian cao điểm khô hanh, nắng nóng, nhưng hơn 26.500ha rừng trên địa bàn huyện Tủa Chùa đang trong tình trạng báo động cao (cảnh báo mức cháy rừng cấp cấp 5). Từ cuối năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện ít mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, trong khi đó hiện nay đang là thời điểm người dân đốt nương, nguy cơ cháy rừng càng cao. Gần đây (ngày 24/2), trên địa bàn huyện đã xảy ra một số đám cháy thảm thực vật, nhưng lực lượng chức năng đã phát hiện và kịp thời dập tắt, không để ảnh hưởng đến rừng. Tuy nhiên, đây cũng là cảnh báo đối với công tác PCCCR trên địa bàn huyện.

Lực lượng kiểm lâm Tủa Chùa tranh thủ lúc nghỉ giải lao sử dụng thiết bị công nghệ nhằm kịp thời phát hiện đám cháy trong lúc tuần tra, kiểm soát.

Theo ông Lù Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, hiện tất cả các diện tích rừng trên địa bàn các xã, thị trấn đang nguy cơ xảy ra cháy ở mức cao nhất. Vì vậy, đơn vị tập trung toàn bộ lực lượng, phương tiện, thiết bị, chủ động triển khai các biện pháp PCCCR; bố trí lực lượng ứng trực 24/24 giờ. Đồng thời, kiểm lâm địa bàn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố, kiện toàn các Ban chỉ huy quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR cấp xã với 281 thành viên và củng cố 112 tổ đội phòng cháy chữa cháy rừng cấp thôn, bản với 1.465 người tham gia. Lực lượng này thường xuyên tuần tra, kiểm soát trong thời gian cao điểm nắng nóng để phát hiện, ngăn chặn kịp thời nếu xảy ra cháy. Cùng đó, tăng cường hướng dẫn người dân quy trình đốt nương an toàn, hạn chế nguy cơ lửa cháy lan vào rừng.

Bữa cơm trưa đơn giản, khẩn trương của lực lượng kiểm lâm Tủa Chùa và các lực lượng chức năng trong quá trình tuần tra rừng.

Trên địa bàn huyện Mường Nhé, toàn bộ hơn 86.770ha (tính đến ngày 27/2) cũng trong tình trạng cảnh báo cháy rừng cấp độ 5. Đơn cử tại xã Mường Nhé có hơn 11.000ha rừng có nguy cơ cháy bất cứ lúc nào. Những ngày qua, công tác phòng chống cháy rừng đang được chính quyền xã, lực lượng chức năng đặc biệt quan tâm. Xã đã thành lập tổ công tác, thường xuyên cử lực lượng ứng trực PCCCR; lực lượng kiểm lâm địa bàn, công an, quân sự xã thường xuyên phối hợp với các chủ rừng tuần tra. Giao các bản, các tổ đội, cán bộ công chức xã theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các hộ gia đình có nương sản xuất gần rừng trước khi đốt có phiếu báo để xã cử lực lượng ứng trực kịp thời xử lý tình huống phát sinh.

Kiểm lâm Mường Nhé tuyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy rừng gắn với bảo vệ phát triển rừng cho người dân xã Sen Thượng.

Ông Nguyễn Đình Cương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé cho biết, những ngày qua Hạt đã huy động toàn bộ lực lượng tổ chức thường trực tại các chốt, tuần tra, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao xảy ra cháy. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra cháy. Cử người theo dõi hệ thống cảnh báo cháy rừng và các phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác PCCCR. Tăng cường thời lượng tuyên truyền về cảnh báo nguy cơ cháy rừng, nghiêm cấm đốt dọn bãi chăn thả gia súc, đốt dọn thực bì làm nương trong thời điểm nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V.

Ngày 25/2, bảng cảnh báo nguy cơ, mức độ xảy ra cháy rừng trên địa bàn huyện Điện Biên đang ở mức độ 4.

Ông Trần Đức Quyền, Phó trưởng Phòng Quản lý, bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: Từ ngày 19/2, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh đều đang ở mức cảnh báo cháy từ cấp 4 (Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Chà, thị xã Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ) đến cấp 5 (Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Ảng). Tuy nhiên, từ ngày 27/2 - 3/3, cấp dự báo cháy rừng toàn tỉnh đều tăng lên mức cao nhất - mức cực kỳ nguy hiểm.

Quản lý chặt việc đốt nương

Cùng với thời tiết nắng nóng kéo dài thì hiện nay bắt đầu bước vào mùa người dân đốt nương sản xuất, gây nguy cơ cháy rừng càng cao. Đặc biệt tại các huyện vùng cao, nhiều khu vực đốt nương nằm sát rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ. Trong khi ý thức của một số người dân vẫn còn hạn chế, chưa nhận thức được hậu quả của việc đốt nương trong thời tiết khô hanh kéo dài. Trước nguy cơ cháy rừng ở cấp cực kỳ nguy hiểm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền và lực lượng dân quân tự vệ các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCCR, hướng dẫn cho người dân các phương án an toàn khi đốt nương.

Kiểm lâm huyện Mường Nhé tuyên truyền người dân không đốt nương trong thời gian nắng nóng, không đem lửa vào rừng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng kiểm lâm toàn tỉnh đã tổ chức 168 buổi tuyên truyền trực tiếp về công tác PCCCR và các biện pháp đốt nương an toàn cho hơn 9.300 lượt người dân; tổ chức cho hơn 8.000 lượt người ký cam kết bảo vệ rừng, cam kết đốt nương không để cháy lan vào rừng. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh xã, thôn, bản, với 168 giờ phát. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm tổ chức tuần tra 782 lượt với gần 4.200 lượt người tham gia. Đặc biệt, chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm phối hợp với các địa phương tuyên truyền người dân không đốt nương vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Ngày không nguy hiểm thì đốt nương trước 9 giờ và sau 16 giờ. Trước khi đốt phải báo cáo với trưởng thôn, bản, tổ đội PCCCR. Trong khi đốt phải bố trí người canh gác, có đủ dụng cụ để dập lửa khi cháy lan vào rừng; sau khi đốt xong phải dập tắt hết tàn lửa.

Lực lượng kiểm lâm Mường Chà tuyên truyền người dân, chủ rừng thường xuyên kiểm tra, theo dõi diện tích rừng được giao khoán, bảo vệ, hạn chế tình trạng cháy rừng.

Trên thực tế hiện nay, chính quyền cấp xã một số nơi vẫn đứng ngoài cuộc trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, cho rằng công tác bảo vệ rừng thuộc trách nhiệm của kiểm lâm. Cùng đó, nếu người dân không cùng vào cuộc thì nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì thế, người dân cần chấp hành nghiêm túc các quy định về đốt nương; không xâm lấn rừng; thật cẩn trọng khi sử dụng lửa... Về lâu dài, cần hạn chế và giảm bớt tình trạng đốt nương bằng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top