ĐBP - Những năm qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương nắm tình hình địa bàn, tổ chức nhiều đợt tuần tra, bảo vệ rừng. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng, hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên rừng trên địa bàn.
Gia tăng số vụ vi phạm
Ngày 15/3/2024, Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Tuần Giáo tuần tra, kiểm soát lâm sản tại khu vực quốc lộ 6, thuộc bản Háng Tàu, xã Tỏa Tình, đã phát hiện đối tượng đi xe máy có biểu hiện nghi vấn vận chuyển lâm sản. Tổ công tác dừng phương tiện, đối tượng khi thấy tổ công tác liền bỏ chạy để lại xe máy và 3 bao tải. Qua kiểm tra, lực lượng kiểm lâm phát hiện bên trong bao có 10 lóng, khúc gỗ nghiến đẽo tròn, dạng thớt, nhóm IIA, khối lượng 0,057m3. Tổ công tác đã lập biên bản, đưa toàn bộ số tang vật và phương tiện về để xác minh làm rõ theo quy định.
Đây chỉ là một trong số nhiều vụ việc vi phạm pháp luật về lĩnh vực lâm nghiệp bị các lực lượng chức năng phát hiện. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong năm 2023 lực lượng kiểm lâm đã phát hiện 390 vụ vi phạm lâm luật, tăng 32 vụ so với năm 2022, đã xử lý 313 vụ (xử lý hành chính 269 vụ và xử lý hình sự 44 vụ); tịch thu 138,395m3 gỗ các loại. Tổng số tiền xử phạt, nộp ngân sách 1,837 tỷ đồng.
Trong quý I/2024, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 102 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tăng 39 vụ (tăng 61,9%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 82 vụ phá rừng trái pháp luật (tăng 203%); khai thác rừng trái pháp luật 5 vụ (tăng 25%); vi phạm quy định về bảo vệ động vật rừng 2 vụ (tăng 100%); 1 vụ vi phạm các quy định chung của Nhà nước về bảo vệ rừng (tăng 100%). Đã xử lý 59 vụ, tăng 16 vụ (tăng 37,209%).
Ông Trần Đức Quyền, Phó phòng Quản lý bảo vệ rừng (Chi cục Kiểm lâm) cho biết: Nguyên nhân số vụ vi phạm tăng là do nhiều người dân không có việc làm ổn định, đời sống khó khăn nên khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm đất rừng để làm nương. Bên cạnh đó, giá trị kinh tế từ rừng ngày càng cao nên một số người dân lén lút khai thác để bán kiếm lời. Mặt khác do nhận thức của một bộ phận dân cư còn hạn chế, chưa phân biệt rõ các loại rừng nên đã lấn chiếm để lấy đất trồng rừng. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm địa bàn mỏng, diện tích rừng lớn nên việc nắm, phát hiện các vụ vi phạm có thời điểm chưa kịp thời. Một số chính quyền cơ sở quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác quản lý bảo vệ rừng.
Xử lý nghiêm vi phạm
Để hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về Luật Lâm nghiệp, thời gian qua cơ quan chức năng tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (từ xử phạt hành chính đến hình sự). Điển hình, năm 2023, ông Lỳ Lò Lu, bản Cà Là Pá 1, xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) đã phá trên 1.400m2 rừng sản xuất. Sau đó, ông Lu đã bị xử phạt hành chính 20 triệu đồng. Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, song việc phá rừng là trái pháp luật nên ông Lu đã chấp hành nộp phạt hành chính theo quy định.
Một số vụ án đã được đưa ra khởi tố, xét xử lưu động. Điển hình như ngày 19/3/2024, tại UBND xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa) Tòa án Nhân dân tỉnh đã đưa ra xét xử lưu động vụ án hình sự phúc thẩm về tội danh hủy hoại rừng đối với các bị cáo Giàng A Chu (SN 1977) và Giàng A Xà (SN 1980), đều trú tại thôn Làng Sảng, xã Tả Sìn Thàng. Cụ thể, Giàng A Chu và Giàng A Xà đã hủy hoại 10.000m2 rừng (Chu phá 6.000m2, Xà phá 4.000m2) thuộc diện tích nương cũ của gia đình đã bỏ hoang 10 năm, cây đã mọc thành rừng và được quy hoạch thành rừng phòng hộ, được chi trả dịch vụ môi trường thuộc địa phận thôn Làng Sảng, xã Tả Sìn Thàng và thôn Lầu Câu Phình, xã Lao Xả Phình. Hội đồng xét xử tuyên án mỗi bị cáo 9 tháng tù về tội hủy hoại rừng.
Bên cạnh việc xử lý nghiêm, thời gian qua lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân quản lý, bảo vệ rừng và phát hiện tố giác đối tượng xâm phạm rừng. Trong quý I/2024, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã tổ chức tuần tra rừng với 1.396 lượt và 8.043 người tham gia, tập trung tại các khu vực có nguy cơ phá rừng, cháy rừng, khai thác lâm sản. Chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền tới các hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao ý thức của Nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng; đã tổ chức tuyên truyền được 382 buổi với 20.639 người tham gia; tuyên truyền trên loa phát thanh được 427 lượt với tổng số hơn 507 giờ; tổ chức cho 17.614 người ký cam kết bảo vệ rừng.
Thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tăng cường phối hợp với các địa phương tuyên truyền pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý bảo vệ rừng. Đồng thời xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng đã được phát hiện, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.