Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Chăm sóc và phát triển rừng ở Ẳng Tở

14:31 - Thứ Năm, 16/05/2024 Lượt xem: 2884 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) còn luôn chú trọng công tác phát triển rừng. Sự quan tâm của địa phương, thực hiện hiệu quả các chính sách đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ và trồng, chăm sóc rừng của người dân trên địa bàn.

Xã Ẳng Tở có gần 400ha rừng trồng. Nhiều năm qua, những cánh rừng trồng trên địa bàn xã luôn được bảo vệ an toàn và phát triển xanh tốt. Giờ đây, nhiều diện tích đã đủ điều kiện chuyển trạng thái thành rừng để chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) hay đủ điều kiện cho khai thác. Xác định trồng rừng là hướng đi đúng đắn trong phát triển kinh tế, nhất là khi điều kiện đất đai ngày càng bạc màu và khí hậu biến đổi phức tạp như hiện nay; vậy nên sau khi được tuyên truyền, vận động, người dân trong xã đã thấy được lợi ích nhiều mặt của việc trồng rừng. Vì lẽ đó, mỗi cá nhân, cộng đồng giờ đây càng quan tâm hơn đến việc phát triển, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng trên địa bàn.

Bà Lường Thị Ứng, bản Bua 2, xã Ẳng Tở bày tỏ: “Nhân dân chúng tôi được hỗ trợ cây giống về trồng ở nương bạc màu. Mấy năm đầu thì được hỗ trợ tiền trồng rừng, sau cây lớn lên lại được tiền DVMTR, có thêm nguồn thu nên bà con rất phấn khởi. Có rừng sẽ chống được xói mòn, không có thiên tai bão lũ, ổn định nguồn nước cho bà con sinh hoạt và sản xuất. Với những lợi ích tích cực như vậy, tôi và bà con dân bản sẽ tập trung bảo vệ rừng và trồng rừng”.

Bằng kiến thức cũng như ý thức, trách nhiệm của người dân, toàn bộ diện tích rừng trồng trên địa bàn xã Ẳng Tở đều được bảo vệ, chăm sóc tốt theo hướng dẫn. Tùy từng loại cây, tùy vào lứa tuổi của cây mà có cách chăm sóc khác nhau. Khi rừng phát triển lớn, trữ lượng rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR, bà con tập trung cho công tác quản lý, bảo vệ. Việc bảo vệ rừng được thực hiện dựa trên quy ước, hương ước với những việc làm cụ thể để hạn chế xâm hại đến rừng. Để rừng được quản lý, bảo vệ tốt, vai trò của các tổ bảo vệ rừng rất quan trọng. Họ là những người trực tiếp kiểm tra, theo dõi sát sao tình hình diễn biến trên từng cánh rừng nhằm phát hiện sớm các diễn biến, sự cố về rừng và có biện pháp xử lý kịp thời.

Ông Lường Văn Trường, Tổ Quản lý bảo vệ rừng bản Bua 2, xã Ẳng Tở cho biết: Tổ có 6 thành viên, anh em thường phân công nhau theo lịch và luân phiên kiểm tra rừng. Mọi người đều chủ động nhắc nhở đi tuần tra xem có vụ việc xâm hại  đến rừng phải báo ngay cho tổ hoặc bản, xã. Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu tâm đến việc phòng cháy rừng, đi làm đường băng cản lửa và sửa các tuyến đường đi tuần rừng; tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức cho dân bản. Liên quan đến các hoạt động quản lý, bảo vệ trừng, chúng tôi đều thực hiện theo quy ước, hương ước của bản. Căn cứ theo các quy định trong quy ước, hương ước, bất kể ai vi phạm gì liên quan đến rừng đều bị cộng đồng bản xử lý; từ đó đã răn đe mọi người tốt hơn; góp phần hạn chế tình trạng xâm hại đến các cánh rừng.

Ngoài việc tuần tra thường xuyên để kịp thời phát hiện các hành vi xâm hại rừng, bà con ở Ẳng Tở hiện cũng hạn chế việc chăn nuôi thả rông để gia súc không phá hoại rừng. Từ cách làm như vậy, cộng với cam kết bảo vệ, phát triển rừng mà từng hộ dân ký với cấp ủy, chính quyền địa phương nên ý thức, trách nhiệm trồng, chăm sóc và giữ rừng của bà con đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Bà con chủ động tiếp cận với quy trình và kỹ thuật chăm sóc rừng, tự giác chăm sóc rừng thường xuyên, không để rừng kém phát triển. Hiện, toàn xã Ẳng Tở có gần 400ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là rừng phòng hộ. Thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng diện tích rừng trồng hướng đến mục tiêu giảm nghèo từ phát triển rừng.

Ông Lường Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Ẳng Tở, chia sẻ: Mục tiêu trồng rừng của xã là để giảm nghèo. Người dân cũng đã thấy được lợi ích của trồng rừng cao hơn các cây trồng khác trên cùng diện tích và đã tích cực tham gia nhân rộng diện tích rừng. Vậy nên, chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền, xây dựng kế hoạch trồng mới thêm hơn 98ha, trong đó rừng phòng hộ hơn 60ha, còn lại là rừng sản xuất trên địa bàn xã vào năm tới.

Phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, cấp ủy, chính quyền xã Ẳng Tở và cơ quan chức năng đã tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con. Nhờ vậy, người dân địa phương không chỉ tích cực giữ rừng, mà còn tập trung trồng rừng. Với sự chủ động trong phát triển, bảo vệ và chăm sóc rừng nói chung, rừng trồng nói riêng, mỗi năm xã Ẳng Tở lại có thêm diện tích rừng mới và trở thành địa phương điển hình của huyện Mường Ảng trong phát triển rừng.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top