Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm lâm

10:35 - Thứ Hai, 14/10/2024 Lượt xem: 2209 In bài viết

ĐBP - Rà soát, sắp xếp vị trí việc làm; đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức kiểm lâm đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới… là những giải pháp được Chi cục Kiểm lâm tỉnh chú trọng triển khai, nhằm nâng cao chất lượng, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Các lớp tập huấn nhằm trang bị thêm kiến thức và kỹ năng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cho đội ngũ cán bộ kiểm lâm.

Tỉnh Ðiện Biên hiện có trên 415.000ha rừng, phân bố trên địa bàn 128 trong tổng số 129 xã, phường, thị trấn. Diện tích rừng lớn, nhưng số lượng biên chế của lực lượng kiểm lâm hiện nay lại thiếu so với nhu cầu công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn. Chính vì vậy, áp lực công việc đối với lực lượng kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn là không hề nhỏ. Đơn cử tại xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, với 10.278ha đất có rừng, Mường Tùng là một trong 7 xã của tỉnh có diện tích rừng từ 10.000ha trở lên. Diện tích rừng lớn, địa hình đồi núi dốc, đi lại khó khăn, song toàn xã chỉ có duy nhất 1 công chức kiểm lâm phụ trách địa bàn.

Nhằm góp phần khắc phục khó khăn trên, theo ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đơn vị đã rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức kiểm lâm đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ trong tình hình mới, theo nguyên tắc giảm biên chế khâu gián tiếp để tăng cường lực lượng cho cơ sở. Theo đó, biên chế hiện có của Chi cục Kiểm lâm tỉnh là 210 người, trong đó đơn vị đã bố trí 120 cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn các xã, phường, thị trấn có rừng.

Cùng với đó, việc bố trí lực lượng kiểm lâm viên cũng phải dựa trên thực tế ở từng địa bàn để phân bổ hợp lý. Ở những xã nào công tác quản lý, bảo vệ rừng được duy trì tốt, ổn định, điều kiện thuận lợi sẽ bố trí 1 kiểm lâm phụ trách địa bàn 2 - 3 xã. Đối với những địa bàn có diện tích rừng lớn, địa hình phức tạp, nhất là các xã được coi là điểm nóng về công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ bố trí 2 đồng chí kiểm lâm cùng phụ trách.

Cán bộ, công chức kiểm lâm thực hành thảo luận nhóm khi tham gia tập huấn.

Huyện Mường Nhé có trên 86.000ha rừng phân bố ở 11/11 xã của huyện, trong đó các xã như: Leng Su Sìn, Mường Nhé, Chung Chải, Sín Thầu đều có diện tích rừng lớn hơn 10.000ha. Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và vận động người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm Mường Nhé đã rà soát, bố trí lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn phù hợp với tình hình thực tiễn của từng xã. Theo đó, tại các xã như: Pá Mỳ, Huổi Lếch, Mường Toong, Nậm Vì, Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn hiện tại đều được bố trí mỗi xã 2 cán bộ kiểm lâm cùng phụ trách địa bàn.

Bên cạnh việc tăng cường, hỗ trợ nguồn lực, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã cử 112 lượt người tham gia các khóa đào tạo. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn cho toàn thể công chức trong đơn vị tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố.

Thời điểm này, 45 học viên là đại diện lãnh đạo, công chức làm công tác pháp chế, kỹ thuật, kiểm lâm phụ trách địa bàn các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng; các phòng chuyên môn thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng đang tham gia lớp tập huấn về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Cán bộ kiểm lâm xã Mường Tùng phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp.

Anh Bạc Cầm Trung, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé chia sẻ: Tham gia lớp tập huấn, chúng tôi được hướng dẫn nghiệp vụ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp. Ngoài ra, còn được tham gia thảo luận, giải đáp về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn. Qua đó, giúp chúng tôi nắm, hiểu rõ các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp mới được sửa đổi, bổ sung; trình tự, thủ tục, một số kỹ năng trong xác lập hồ sơ vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp; trao đổi thông tin hai chiều, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải đáp vướng mắc, nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong thi hành pháp luật.

Có thể thấy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm lâm được Chi cục Kiểm lâm tỉnh luôn chú trọng, quan tâm. Tuy nhiên, ngoài sự chủ động của Chi cục Kiểm lâm, trước thực tế thiếu hụt nguồn nhân lực kiểm lâm như hiện nay, rất cần sự quan tâm, bổ sung nguồn nhân lực có đủ trình độ và phẩm chất đạo đức. Qua đó, giúp củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm lâm, góp phần đưa công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới đạt hiệu quả cao.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top