Sự kiện & Bình luận
ĐBP - Thiếu xăng dầu không chỉ xảy ra ở các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM mà các tỉnh miền núi xa xôi: Điện Biên, Sơn La… cũng đang diễn ra.
Mấy ngày gần đây, do nguồn cung thiếu, nguồn dự trữ hạn chế, vơi dần nên nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh bán cho khách hàng với số lượng hạn chế. Với khách hàng đi ô tô, mỗi lần mua, các cây xăng không bán quá 500.000 đồng. Nhiều khách hàng thắc mắc, đặt câu hỏi và tỏ ra bức xúc thì nhân viên cây xăng trả lời là do thiếu nguồn cung nên Công ty mới ra quy định như vậy. Mong khách hàng thông cảm. Theo nhân viên bán xăng thì Công ty cũng quán triệt không bán các loại dầu với khối lượng lớn (cả xe téc, phi to lên đến hàng trăm lít) cho mỗi khách hàng như trước, vì như thế sẽ dẫn đến trống kho dầu dự trữ.
Với xe máy nói chung, do dung tích bình chứa nhỏ, nên các cửa hàng xăng dầu không bán giới hạn 20.000 - 50.000 đồng/xe như các tỉnh, nên khách hàng đi xe máy cảm thấy phần nào yên tâm. Tuy nhiên, nhiều khách hàng lo lắng, nếu đà này thì biết đâu trong vài ngày tới, xe máy cũng bị giới hạn mua xăng như ô tô; cũng phải xếp hàng đợi như các tỉnh?.
Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, chiến lược, hết sức quan trọng của mỗi quốc gia, được ví như “mạch máu” nuôi cơ thể con người. Nếu để thiếu xăng dầu sẽ dẫn tới đứt gãy nền sản xuất, hoạt động vận tải tê liệt, thiệt hại về kinh tế không thể đo đếm được.
Xăng dầu đang khan hiếm trên diện rộng, nhưng tối 11/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trả lời báo chí rằng: “Nguồn cung không thiếu”. Có điều, Bộ trưởng Diên cũng xác nhận thực tế “đứt gãy ở một số phân khúc” và hiện tượng “các doanh nghiệp trong hệ thống phân phối hạn chế xuất hàng, hạn chế bán ra”...
Lãnh đạo một “doanh nghiệp cầu đường” trên địa bàn tỉnh bức xúc cho biết: Công ty có gần 50 đầu xe máy các loại. Vậy nhưng hiện nay không mua đủ xăng dầu để hoạt động. Mỗi ngày Công ty chỉ mua được khoảng 100 lít dầu thì làm ăn gì được.
Đang mùa khô, lại là những tháng cuối năm, chủ đầu tư yêu cầu đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu để kịp bàn giao như cam kết. Nhưng do thiếu xăng dầu nên Công ty không biết xoay xở ra sao. Nhiều ngày qua, từ lãnh đạo Công ty đến nhân viên đang ngồi nhà chơi, do không có xăng dầu để vận hành máy móc.
Một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn trên địa bàn tỉnh cho rằng, hiện nay, muốn mua được xăng dầu, Công ty phải chi phí thêm khoảng 600 đồng/lít so với trước. Mặc dù vậy cũng không có nguồn mua. Không phải cứ hết hàng là mua được như trước đây. Mỗi tháng Công ty sử dụng khoảng 100m3 xăng dầu mà nguồn cung hạn chế, giá cả đắt đỏ như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty.
Đại diện lãnh đạo doanh nghiệp là “con chim đầu đàn” lĩnh vực Giao thông - Xây dựng trên địa bàn tỉnh bộc bạch: Vài tuần nay, Công ty đang đau đầu về chuyện xăng dầu. Tìm xoay xở khắp nơi, liên hệ nhiều nhà cung cấp khác nhau nhưng vẫn không mua đủ xăng dầu phục vụ sản xuất. Với nhiều công trình, dự án lớn đang thi công trên địa bàn 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, nếu nguồn cung xăng dầu mà cứ khan hiếm thế này, thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ đình trệ, công nhân mất việc làm, giảm thu nhập; chậm đóng thuế cho nhà nước...
Trước thực trạng thiếu xăng dầu trên toàn quốc, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện nhắc đích danh Bộ trưởng Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ về điều hành thị trường xăng dầu... Đảm bảo không để thiếu, đứt gãy nguồn cung trong mọi tình huống. Chỉ đạo kịp thời, sát sao của Thủ tướng Chính phủ là vậy, nhưng hiện tại, tình trạng thiếu xăng dầu vẫn diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước.
Điện Biên là tỉnh miền núi xa xôi, đời sống người dân còn khó khăn, dân số không đông, số lượng doanh nghiệp chưa nhiều… vậy mà vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp đã “đắp chiếu” máy móc, rời công trường, công nhân “ngồi chơi xơi nước” vì không có xăng dầu hoạt động. Doanh nghiệp dừng sản xuất, cũng có nghĩa công nhân mất việc làm, giảm thu nhập và sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ rất khó lường.