Phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư

16:39 - Thứ Ba, 14/02/2023 Lượt xem: 56809 In bài viết

ĐBP - Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm và làm việc tại Điện Biên. Trong chuyến công tác này, đoàn kiểm tra, khảo sát thực địa một số dự án hồ thuỷ lợi trên địa bàn 3 huyện: Mường Ảng, Tuần Giáo và Mường Nhé; làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, các sở ngành, đơn vị liên quan về lĩnh vực phát triển Nông - Lâm nghiệp...

Thông tin đáng mừng là Thứ trưởng đã kiểm tra thực tế tại địa bàn dự kiến xây dựng các công trình thuỷ lợi, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho hàng nghìn ha ruộng nước, hoa màu của người dân; cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân quanh khu vực dự án…

Đối với hồ chứa nước Bản Phủ (xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo), có tổng mức đầu tư trên 500 tỷ đồng, gồm các hạng mục chính: Cụm đầu mối, xây dựng mới hồ chứa có dung tích khoảng 3,1 triệu mét khối. Hệ thống dẫn nước tưới với đường ống dài 14,4km và các công trình phụ trợ: Đường thi công kết hợp quản lý vận hành, đường điện, khu quản lý...

Dự án hồ Nậm Là (xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé) có tổng mức đầu tư 476 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm: Cụm đầu mối, xây dựng mới hồ chứa có dung tích khoảng 2,43 triệu mét khối; hệ thống dẫn nước tưới gồm đường ống dài 22,97km, đường ống nhánh dài 13,7km, kết cấu ống HDPE. Các công trình phụ trợ gồm đường thi công kết hợp quản lý vận hành, đường điện, khu quản lý...

Điện Biên là tỉnh nghèo, phần lớn người dân, nhất là các xã vùng ngoài, vùng cao, biên giới, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc Nhà nước quan tâm đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các hồ thuỷ lợi, dẫn nước tưới đồng ruộng, hoa màu, hình thành vùng nuôi thuỷ sản, du lịch sinh thái… sẽ giúp người dân tập trung sản xuất, tăng giá trị kinh tế, cải thiện cuộc sống.

Vấn đề người dân quan tâm lúc này là các cấp, ngành liên quan chủ động phối hợp, giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khởi công dự án đúng kế hoạch. Công trình thi công nhanh, đạt chất lượng, sớm đưa vào sử dụng sẽ mở rộng diện tích tưới tiêu; góp phần tăng năng suất, sản lượng, người dân là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất.

Mặc dù dự án đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa phát lệnh khởi công, nhưng qua một số dự án hồ thuỷ lợi thi công thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn, vướng mắc: đền bù, giải phóng mặt bằng; giá cả nguyên vật liệu, nhân công biến động theo hướng tăng, dẫn tới tăng tổng mức đầu tư. Có dự án kéo dài nhiều năm vẫn không hoàn thành; phải cắt giảm một số hạng mục kênh mương, ảnh hưởng đến quy mô dự án (như hồ Ẳng Cang, huyện Mường Ảng).

Là dự án lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sản xuất nông - lâm nghiệp. Trong quá trình khảo sát, ở lưu vực lòng hồ, có một số hộ dân bị ảnh hưởng, phải di chuyển nhà cửa, tái định cư. Nhiều hộ dân bị thu hồi đất để xây dựng hồ, ảnh hưởng tới sinh kế. Do vậy, cấp uỷ, chính quyền địa phương cần chủ động phối hợp với chủ đầu tư, các đơn vị liên quan khảo sát, tính toán kỹ các phương án bồi thường, đền bù cho người dân, tránh so bì tị nạnh, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.

Theo phân kỳ đầu tư, hồ Nậm Là thi công hoàn thành trước năm 2025 và hồ Bản Phủ hoàn thành giai đoạn 2026 - 2030. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ, các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư… cho người dân cần tính toàn khoa học, hợp lý. Tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, làm sai quy trình, quy định, người dân không đồng tình ủng hộ bàn giao mặt bằng, thực hiện tái định cư, dẫn tới dự án kéo dài, chậm tiến độ.

Các cơ quan chức năng, chủ đầu tư cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định, phê duyệt dự án; lựa chọn nhà thầu thi công, giám sát A - B… cũng cần minh bạch, rõ ràng, tránh “quân xanh quân đỏ”. Phải lựa chọn các nhà thầu đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm thi công. Nghiêm cấm việc chia nhỏ các gói thầu, thông thầu, bán thầu, đưa thêm nhà thầu phụ… dẫn tới khó kiểm tra, giám sát chất lượng công trình. Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong những lần kiểm tra các công trình trọng điểm về giao thông, xây dựng trên cả nước gần đây đã nhắc đến rất nhiều lần. Thông thầu, bán thầu dẫn tới công trình kém chất lượng, chậm tiến độ, đội vốn… gây lãng phí, thất thoát ngân sách, gây mất lòng tin trong nhân dân.

Trong quá trình khảo sát, lập dự toán, cần tính toán kỹ các hạng mục liên quan đến dự án, đảm bảo khi công trình hoàn thành sẽ phát huy tối đa công năng. Ngoài mục đích chính là tưới thủy lợi, phải kết hợp phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, phát triển thủy sản cho người dân. Do vậy, bên cạnh nguồn vốn Trung ương, thì địa phương cũng phải bố trí, đối ứng thêm các nguồn khác để đầu tư các hạng mục phụ trợ: đường giao thông kết nối, cầu qua suối (nếu có), hệ thống lưới điện… để thành mạng lưới giao thông, thuỷ lợi khép kín, hoàn chỉnh, khi đó dự án mới phát huy tốt hiệu quả.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top