Y tếSức khỏe

Cần có biện pháp quản lý thức ăn đường phố

08:43 - Thứ Tư, 09/03/2022 Lượt xem: 7096 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, thức ăn đường phố trở nên phổ biến với nhiều người, nhất là đối với người dân sinh sống ở đô thị, vì nó đáp ứng nhu cầu nhanh, tiện lợi. Tuy nhiên, đi kèm với sự tiện lợi, thức ăn đường phố cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Thức ăn chế biến sẵn được bán tại chợ Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ.

Dạo một vòng quanh TP. Điện Biên Phủ, thức ăn đường phố hiện được bán ở khắp nơi, từ trong ngõ ngách đến các đường phố chính, từ cổng trường học đến bến xe, chợ... Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố có mặt bằng hạn chế, phần lớn dùng nhà ở để kinh doanh hoặc thuê mặt bằng tại những vị trí tạm thời, không ổn định, chủ yếu ở những nơi đông người qua lại, môi trường dễ ô nhiễm.

Qua quan sát, tại các quán ăn đường phố, hầu hết những người bán hàng đều không đeo tạp dề và không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín; thức ăn không được che đậy kín nhằm ngăn ngừa bụi bẩn; vẫn còn tình trạng thức ăn sống, chín để lẫn lộn… Ngoài ra, việc kinh doanh diễn ra trên vỉa hè, không chủ động được nguồn nước nên bát đũa sau khi phục vụ cũng chỉ được rửa sơ sài. Đó là chưa kể đến đa phần nguyên liệu phục vụ tại các quán ăn đường phố, vỉa hè đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thực tế, nhiều người tiêu dùng đã phản ánh sau khi mua thức ăn đường phố về ăn đã dẫn đến một số triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy… Tuy nhiên lại không có bằng chứng để khiếu kiện, khiếu nại hoặc tâm lý ngại va chạm nên bỏ qua. Điều kiện vệ sinh kém là điều dễ nhận thấy ở hầu hết những nơi kinh doanh thức ăn đường phố, song một vấn đề đáng quan tâm hơn là “lỗ hổng” kiến thức vệ sinh ATTP của những người kinh doanh loại hình này.

Theo Thông tư số 30/2012/TT-BYT của Bộ Y tế về Quản lý thức ăn đường phố quy định: Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn về vệ sinh ATTP và có giấy xác nhận; phải được khám sức khỏe và cấp giấy xác nhận đủ điều kiện sức khỏe; người mắc các bệnh truyền nhiễm không được tiếp xúc trực tiếp trong quá trình chế biến thực phẩm; nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; có đủ nguồn nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh… Tuy nhiên, số cơ sở, điểm bán thức ăn đường phố bảo đảm đúng quy định trên rất hạn chế. Thậm chí, khi được hỏi về các quy định này, nhiều chủ quán còn tỏ ra ngơ ngác.

Trong khi ý thức của người kinh doanh còn hạn chế như vậy thì nhiều người tiêu dùng lại tỏ ra dễ dãi, chưa thực sự quan tâm đến việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sao cho an toàn để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Chị Nguyễn Thị Hương, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ, mặc dù biết mua thức ăn

đường phố sẽ không yên tâm về chất lượng thực phẩm, thế nhưng do tính chất công việc của chị buổi sáng thường đi làm về muộn, chiều đi sớm nên nhiều lúc vẫn phải mua thức ăn sẵn. Tuy nhiên, để yên tâm, chị thường mua ở những cửa hàng người quen hoặc điểm bán trông sạch sẽ.

Trên thực tế, việc giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các trường hợp kinh doanh thức ăn đường phố còn gặp khá nhiều khó khăn do thiếu kinh phí; đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP còn thiếu cả về số lượng và năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, số cơ sở, cá nhân kinh doanh thức ăn đường phố thường xuyên thay đổi mặt hàng kinh doanh, không có địa điểm, thời gian cố định nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc theo dõi, quản lý.

Điều đáng nói, quy định, chế tài xử phạt đã có (Nghị định 115/2018/NĐ-CP, ngày 4/9/2018 của Chính phủ về Xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm) nhưng vẫn rất khó thực hiện. Đơn cử, cơ sở hàng rong thường bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trong khi quy định lại không bắt buộc lưu mẫu trong ngày. Cũng vì thế, khi các cơ quan chức năng tới kiểm tra cũng khó biết được chính xác là nguồn gốc mẫu nào bị ôi thiu, không bảo đảm vệ sinh ATTP, nên không thể tìm ra được nguồn gốc cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn.

Để giảm thiểu nguy cơ mất an ATTP thức ăn đường phố, thời gian qua, các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường trên địa bàn tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kết hợp đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền đến các hộ kinh doanh về quy định của pháp luật đối với loại hình kinh doanh này. Thiết nghĩ, trong khi chờ sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng thì điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, cân nhắc kỹ trong việc chọn lựa, sử dụng các loại thức ăn đường phố để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Bài, ảnh: Thu Phương
Bình luận
Back To Top