Y tếSức khỏe

Không chủ quan khi trẻ bị tiêu chảy

08:41 - Thứ Hai, 14/03/2022 Lượt xem: 9165 In bài viết

ĐBP - Bên cạnh các bệnh về đường hô hấp, trẻ em cũng thường xuyên gặp phải các bệnh về đường ruột, tiêu hóa; trong đó, một trong những bệnh đường ruột thường gặp chính là bệnh tiêu chảy, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.

Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) chăm sóc bệnh nhi.

Chị V. T. T. H., phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) có con gái bị bệnh tiêu chảy. Sau khi nghe con nói bị đau bụng và ngày đi ngoài 3 - 4 lần, chị H. chủ quan nghĩ chắc con ăn gì lạ bụng nên đã ra tiệm thuốc mua thuốc về cho con uống. Tuy nhiên, tình trạng đi ngoài không giảm mà con càng bị nặng hơn, người lả đi nên vợ chồng chị đã đưa con vào bệnh viện cấp cứu.

Thực tế hiện nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn chủ quan khi trẻ mắc bệnh tiêu chảy và có những sai lầm trong việc tự ý chữa trị; phổ biến nhất là tâm lý nôn nóng khi thấy trẻ đi ngoài nhiều lần, cha mẹ đã tự ý mua thuốc cầm tiêu chảy. Có gia đình lại sử dụng các bài thuốc dân gian như cho uống nước lá ổi, nước lá chè xanh, tự ý sử dụng kháng sinh... khiến tình trạng bệnh của trẻ diễn biến xấu, gây nguy hiểm đến tính mạng. Nhiều trường hợp trẻ được đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng bệnh đã nặng.

Bác sĩ Đỗ Thị Lan Hương, Phó trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi, với biểu hiện là khi trẻ có số lần đi ngoài nhiều gấp hai lần bình thường, phân lỏng hoặc toàn nước, mùi hôi tanh, mệt mỏi, quấy khóc nhiều, nôn… Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng tiêu chảy ở trẻ là nhiễm trùng đường ruột do vi rút, siêu vi hoặc ký sinh trùng gây ra. Các trường hợp nhiễm trùng này là thường do ăn thức ăn hoặc uống nước đã bị nhiễm khuẩn từ phân hoặc trực tiếp từ người mắc bệnh hoặc do một số thói quen như không thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, bảo quản thực phẩm kém vệ sinh, ăn thực phẩm ôi thiu, sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh... Nếu để tiêu chảy kéo dài, trẻ sẽ bị kiệt sức, sốc mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn tri giác, suy hô hấp, trụy mạch, co giật, hôn mê và tử vong nếu không điều trị đúng và kịp thời.

Ngay khi trẻ bị tiêu chảy, cần cho trẻ uống bù nước, tốt nhất là uống oresol pha theo đúng chỉ định hướng dẫn, 1 gói pha trong 1 lít nước đun sôi để nguội, loại gói nhỏ pha với 200ml nước. Nếu trong 24 giờ không uống hết dung dịch đã pha thì đổ đi pha dung dịch khác. Cho trẻ ăn và bú bình thường (nếu trẻ còn bú) và chú ý dùng thức ăn loãng, dễ tiêu hóa như: Cháo thịt, súp... và chia thành nhiều bữa nhỏ. Tuyệt đối không được bắt trẻ kiêng ăn, không sử dụng các thực phẩm nhuận tràng, hạn chế đồ uống có gas và thức ăn quá ngọt.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 1/2022, toàn tỉnh ghi nhận 395 trường hợp mắc tiêu chảy, tập trung nhiều tại các huyện: Điện Biên (82 trường hợp), Mường Chà (88 trường hợp), Mường Nhé (71 trường hợp), Điện Biên Đông (63 trường hợp)… trong đó, phần lớn là trẻ nhỏ. Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Để phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ em, các gia đình nên tăng cường vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nên thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã; nên chọn mua thức ăn từ nguồn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không sử dụng thực phẩm quá hạn sử dụng. Tiêm chủng đầy đủ, uống vắc xin ngừa tiêu chảy và chủ động tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây bệnh cũng như cách điều trị, phòng ngừa để giúp các bậc cha mẹ bảo vệ sức khỏe cho con em mình hiệu quả nhất.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top