ĐBP - Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 56 trường hợp mắc bệnh thủy đậu, tập trung tại các huyện: Điện Biên Đông (21 ca), Nậm Pồ (16 ca), Điện Biên (9 ca)... Dù các trường hợp đều được phát hiện sớm, chữa trị kịp thời; nhưng để hạn chế số người mắc bệnh, không để lây lan thành dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức phòng tránh bệnh thủy đậu cho người dân.
Bác sĩ Chuyên khoa I Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh truyền nhiễm phát triển, trong đó có thủy đậu. Bệnh do vi rút Varicella Zoter gây ra và thường bùng phát thành dịch vào tháng 3 - 4 hàng năm. Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp thông qua tiếp xúc trực tiếp, qua dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, trẻ em mắc nhiều hơn người lớn và thường nhẹ hơn người lớn. Người mắc bệnh thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng và trên da xuất hiện các nốt ban đỏ bắt đầu ở vùng đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Thời kỳ lây truyền của bệnh là 1 - 2 ngày trước khi phát ban và trong vòng 5 ngày sau khi xuất hiện nốt bọng nước đầu tiên. Bệnh thường kéo dài từ 7 - 10 ngày. Đáng chú ý, thủy đậu là bệnh lành tính, không có triệu chứng nặng ngoài những mụn nước lan tràn, nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng (nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm não...) Phụ nữ mang thai mắc thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi (đầu nhỏ, bại não, chân tay khoèo, sẹo bẩm sinh...).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân. Nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực đã được triển khai như: Truyền thông trực tiếp qua cán bộ y tế cơ sở thường xuyên xuống các thôn, bản để hướng dẫn người dân về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng phòng tránh một số bệnh truyền nhiễm; kết hợp tuyên truyền qua hoạt động khám chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở y tế; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh, truyền thông qua mạng xã hội zalo, facebook; tổ chức các chiến dịch tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh môi trường... Song song với đó, Trung tâm đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát dịch tễ tại các xã, phường nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những ca bệnh đầu tiên. Khi phát hiện trường hợp mắc bệnh, trung tâm y tế các huyện cần tập trung điều trị, khoanh vùng dập dịch để ngăn ngừa bệnh phát sinh, lây lan trên diện rộng; tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường, nhất là ở những địa bàn có nhiều trường hợp mắc bệnh. Đồng thời, chủ động triển khai thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng; chuẩn bị sẵn sàng phương án, kế hoạch phối hợp, ứng phó theo tình huống nếu có dịch bệnh lớn xảy ra; duy trì các đội đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh tại tất cả các tuyến theo quy định; công bố số điện thoại đường dây nóng tại các cơ sở y tế để tiếp nhận thông tin tình hình dịch bệnh từ người dân và cộng đồng.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng khuyến cáo người dân cần cho con em tiêm vắc xin phòng bệnh khi trẻ nhỏ từ đủ 12 tháng tuổi, đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng tránh lây lan; khi cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ sinh hoạt riêng; chủ động vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Khi xuất hiện biểu hiện sốt cao liên tục, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê, có xuất huyết trên nốt rạ nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Với những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được cách ly và cho nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh.