Y tếSức khỏe

Phòng bệnh thời điểm giao mùa

05:54 - Thứ Hai, 23/05/2022 Lượt xem: 10029 In bài viết

ĐBP - Hiện nay đang vào thời điểm giao mùa, là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại dịch bệnh phát triển, như: Thủy đậu, tay chân miệng, cúm, viêm đường hô hấp, các bệnh do muỗi truyền nhiễm… Trước tình hình đó, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Trẻ được phụ huynh đưa đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để khám, tư vấn sức khỏe và tiêm vắc xin phòng bệnh.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hàng trăm ca mắc bệnh thủy đậu, tay chân miệng; tập trung ở các huyện, như: Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Điện Biên… Đây là các bệnh thường mắc ở trẻ nhỏ; nếu không phát hiện, điều trị kịp thời, bệnh có thể chuyển nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Đối với bệnh thủy đậu, đây là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp khi người bị thủy đậu hắt hơi, nói, ho, vi rút sẽ theo nước bọt bay ra ngoài, người khác hít phải sẽ lây bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn phồng rộp của người bệnh. Thông thường, thời gian ủ bệnh thủy đậu từ 2 - 3 tuần tính từ lúc nhiễm vi rút đến lúc phát bệnh. Thủy đậu là bệnh nguy hiểm, nếu chủ quan, không điều trị sẽ gây nhiều biến chứng. Nhẹ có thể nhiễm trùng da nơi mọc mụn nước; nặng có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm não dẫn đến tử vong. Phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu rất nguy hiểm, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Mặc dù nguy hiểm, song bệnh thủy đậu có thể phòng được nếu tiêm vắc xin. Đây cũng là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Đối với bệnh tay chân miệng, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do vậy, khi mắc bệnh, các triệu chứng loét miệng, bóng nước vùng mông, gối, lòng bàn tay và lòng bàn chân hoặc bóng nước xen kẽ với những hồng ban, người lớn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị; cùng với đó, làm tốt công tác vệ sinh cá nhân cho trẻ hàng ngày để tránh vi khuẩn gây hại xâm nhập.

Không chỉ các bệnh thủy đậu, tay chân miệng, thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, sức đề kháng của mỗi người sẽ giảm, nhất là trẻ nhỏ nên sẽ thường mắc các bệnh cảm cúm, bệnh liên quan đến đường hô hấp, như: Viêm mũi, viêm họng, viêm xoang… Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 2.000 trường hợp bị cúm; nhiều trường hợp viêm đường hô hấp. Ngành Y tế đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức, như: Treo pano, áp phích, tờ rơi… để nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Khuyến cáo các bậc phụ huynh cần chú ý, chăm sóc trẻ nhỏ nhiều hơn. Không tùy ý dùng kháng sinh, bởi thuốc kháng sinh chỉ có thể điều trị các bệnh vô vi khuẩn; trong khi, phần lớn các bệnh ở trẻ nhỏ đều do vi rút gây ra; việc tùy ý dùng thuốc kháng sinh có nguy cơ dẫn đến hiện tượng kháng kháng sinh khiến cơ thể không chống lại được sự xâm nhập của các vi khuẩn trong môi trường.

Theo bác sĩ Đàm Thanh Tú, ngoài một số bệnh trên, chuẩn bị bước vào mùa hè, đây là thời điểm thích hợp để muỗi phát triển nhanh; là một trong những tác nhân gây ra bệnh sốt rét, sốt xuất huyết. Riêng bệnh sốt xuất huyết, từ năm 2020 đến nay đã có gần 20 trường hợp mắc (không có trường hợp tử vong). Do chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, song với tính chất nguy hiểm của bệnh, ngoài nỗ lực trong công tác phòng, chống các loại dịch bệnh của các cơ quan chức năng, ngành Y tế khuyến cáo, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường sống quanh khu vực nhà ở và những vùng lân cận; loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi bằng cách phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, sắp xếp vật dụng trong nhà ngăn nắp, sạch sẽ. Đối với các dụng cụ chứa nước phải đậy kín không để muỗi vào đẻ trứng. Đặc biệt, khi gặp những triệu chứng: Sốt, nhức đầu, đau cơ, đau hốc mắt, thắt lưng, họng kèm theo nôn ói…, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top