ĐBP - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong tháng 6 vừa qua, có một bệnh nhân nam ở xã Keo Lôm (huyện Điện Biên Đông) tử vong vì bệnh liên cầu lợn, do giết mổ, tiếp xúc với lợn ốm. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên tại tỉnh ta từ đầu năm đến nay liên quan đến dịch bệnh này. Bệnh liên cầu lợn ở người điều trị khó khăn, để lại di chứng, có tỷ lệ tử vong cao vì vậy chúng ta không nên chủ quan.
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S.suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp trên (đặc biệt là ở mũi), ở đường tiêu hóa và sinh dục của lợn. Vi khuẩn S.suis có 35 týp huyết thanh khác nhau, trong đó S.suis týp 1 và 2 thường gây bệnh cho người. Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Vi khuẩn S.suis có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người chăm sóc, giết mổ, chế biến hoặc sử dụng các sản phẩm từ lợn như tiết canh, thịt, phủ tạng của lợn ốm, chết, lợn mang vi khuẩn nấu không chín. Phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi lợn có thể trở thành nguồn lây bệnh thứ cấp. Các động vật khác có khả năng truyền bệnh bao gồm ruồi, gián, chuột…Thời gian ủ bệnh trung bình từ khi phơi nhiễm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên khoảng 2 ngày (dao động từ 3 giờ đến 14 ngày).
Khi mắc liên cầu lợn, người nhiễm có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng. Các biểu hiện lâm sàng của nhiễm trùng huyết như: Sốt cao liên tục, rét run từng cơn, người mệt nhiều, có thể đại tiện phân lỏng nhiều lần, đau đầu, nôn, ù tai, giảm thính lực hoặc điếc, rối loạn tri giác, trên da xuất hiện nhiều ban xuất huyết chấm hoặc mảng. Người bệnh có thể còn bị đau khớp, viêm khớp thanh dịch hoặc mủ, tổn thương đặc biệt các khớp lớn. Trường hợp nặng thường có thể xuất huyết dưới da, ban xuất huyết hoại tử toàn thân, hoại tử đầu chi và rối loạn chức năng đông máu. Nhiễm trùng huyết thường tiến triển nặng nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao, có thể tới 20% các trường hợp nhiễm khuẩn, nếu khỏi thì thời gian phục hồi thường kéo dài. Nhiễm liên cầu lợn còn có thể gây ra các chứng viêm nhiễm nhẹ đến viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim, viêm khớp nhiễm trùng…
Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, như xuất huyết hoặc phù nề; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng; không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết; tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định. Đặc biệt, với các trường hợp có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.