ĐBP- Mùa hè, khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để nhiều loại bệnh do nhiễm virut, vi khuẩn, ký sinh trùng bùng phát. Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng, hiện nay mới vào đầu mùa hè nhưng trên địa bàn huyện đã ghi nhận 32 ca mắc tiêu chảy cấp (các ca bệnh đa phần là trẻ nhỏ).
Tiêu chảy cấp là bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường tiêu hóa, do vi khuẩn gây nên. Với biểu hiện đi ngoài nhiều lần trong một ngày, phân nát không thành khuôn, kéo theo sốt hoặc đau bụng và nhiều triệu trứng khác. Mắc tiêu chảy khi đi đại tiện 3 lần/ngày, ra phân lỏng hoặc toàn nước. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đa số trường hợp bệnh hồi phục tốt nếu được chăm sóc đúng cách, ngược lại bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, như mất nước, rối loạn điện giải, suy dinh dưỡng thậm chí tử vong.
Chị Giàng Thị Dua, xã Ngối Cáy có con đang điều trị tại Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng) chia sẻ: Cháu nhà tôi nhập viện hơn 1 tuần nay, ban đầu có biểu hiện bỏ ăn, quấy khóc, sốt nhẹ, đi ngoài nhiều lần trong ngày… Do gia đình chủ quan vì nghĩ cháu chỉ bị sốt thông thường nên mua thuốc về điều trị tại nhà và sử dụng các bài thuốc dân gian. Khi nhập viện bác sĩ khám kết luận cháu bị tiêu chảy cấp, mất nước nhiều nên đã truyền bù; đồng thời, bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng. Đến nay, sức khỏe của cháu đã ổn định, bác sĩ cho biết 3 ngày nữa có thể ra viện.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp. Do mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột, các vi khuẩn có hại xâm nhập vào đường ruột, sinh sôi nảy nở rất nhanh và lấn át vi khuẩn có lợi, tiết ra độc tố gây tiêu chảy. Do ruột co bóp mạnh để thải nước ra ngoài mang theo các siêu vi khuẩn và các độc tố ra ngoài cơ thể, điều đó sinh ra tiêu chảy. Hậu quả là do cơ thể thải ra quá nhiều nước mà không bù vào, kèm theo cả chất điện giải là những chất muối cần thiết cho cơ thể. Tiêu chảy thường xảy ra cao điểm vào mùa mưa và nóng. Trong đó, Rotavirus là tác nhân chính gây tiêu chảy nặng và đe dọa tử vong ở trẻ dưới 2 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Trung Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng cho biết: Đa phần trẻ nhập viện hoặc đến các cơ sở y tế khi trẻ đã bị mất nước ở thể nặng, một số trường hợp có biểu hiện sốt, co giật vì mất nước nhiều gây khó khăn cho quá trình điều trị. Đối với các những trường hợp trẻ bị mất nước ở thể nhẹ do tiêu chảy việc điều trị sẽ dễ dàng hơn chỉ bù nước điện giải bằng đường uống; nhưng ở thể nặng phải bù nước cho trẻ theo đường truyền tĩnh mạch, đồng thời phải bổ sung vitamin, kẽm nhằm tăng cường sức đề kháng cho đường ruột. Vì vậy cha mẹ cần phải theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ hàng ngày khi thấy một trong các biểu hiện: Bỏ ăn, nôn; tiêu chảy cấp khi đi đại tiện 3 lần/ngày phân lỏng màu vàng hoặc hoa cà hoa cải, hoặc toàn nước có thể kèm theo sốt... Cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất tránh tình trạng tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Để phòng bệnh tiêu chảy cấp mọi người, mọi nhà đều thực hiện ăn chín uống sôi. Không ăn rau sống, không uống nước lã. Không ăn các thức ăn nhiễm khuẩn đặc biệt là mắm tôm sống, hải sản tươi sống, gỏi cá, tiết canh... Dùng nước sạch. Tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng hóa chất cloramin B. Cấm vứt súc vật chết và đổ chất thải, nước giặt, rửa đồ dùng của người bệnh xuống ao, hồ, sông, giếng. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi vệ sinh bừa bãi. Đối với gia đình có bệnh nhân tiêu chảy cấp, cần rắc vôi bột hoặc Cloramin B sau mỗi lần đi tiểu. Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, cho vôi bột, Cloramin B cho mỗi lần đi tiểu.