ĐBP - Bệnh sán dây là bệnh nhiễm ký sinh trùng ở ruột, sau khi ăn thịt bị nhiễm bệnh còn sống hoặc chưa được nấu chín. Một vài loại sán gây ra bệnh sán dây như sán dây lợn, sán dây bò. Bệnh sán dây có thể gây ra các triệu chứng nhẹ và không đặc hiệu, bao gồm đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón khi sán dây phát triển trong ruột, bệnh dễ điều trị nhưng cũng có nguy cơ gây tử vong.
Ông S.A.K. (50 tuổi), xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa, nhập viện trong tình trạng đau đầu; qua thăm khám, được chẩn đoán bị bệnh sán; biểu hiện sán não, dẫn đến co giật, áp xe não. Nguyên nhân mắc là do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, bị nhiễm kí sinh trùng. Sau một thời gian điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sức khỏe của ông đã ổn định, có thể xuất viện.
Bác sĩ đa khoa Hoàng Thị Hồng Thơm, Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Từ đầu tháng 7 đến nay, khoa đã tiếp nhận điều trị bệnh sán cho 7 bệnh nhân, đa số có biểu hiện ở cơ, não. Sán dây có thể ký sinh ở người dưới hình thức sán trưởng thành và ấu trùng sán lợn. Khi ăn thịt lợn, thịt bò có ấu trùng sán chưa được nấu chín, nang sán đi vào cơ thể người sẽ phát triển thành sán dây lợn hoặc sán dây bò trưởng thành và ký sinh ở ruột non của người. Nguyên nhân cũng có thể do uống phải nguồn nước bị ô nhiễm, ăn thịt, cá bị nhiễm bệnh, tay bẩn khi tiếp xúc với động vật và đất bị ô nhiễm. Thực phẩm ô nhiễm, nhất là rau, củ quả được chăm bón từ phân tươi, chưa qua các bước xử lý cũng là yếu tố lây truyền mầm bệnh...
Thời gian ủ bệnh sán dây trung bình khoảng 2 - 3 tháng; người bệnh không có các triệu chứng bất thường gì. Khi sán trưởng thành ký sinh và hút chất dinh dưỡng tại ruột người, các triệu chứng tiêu hóa thường mơ hồ, không đặc hiệu như: Buồn nôn, nôn, chán ăn, ăn không ngon miệng, đầy bụng, khó tiêu, đau bụng vùng thượng vị, có thể kèm theo rối loạn đại tiện. Ấu trùng sán lợn gây các tổn thương ở cơ quan nội tạng, não và hệ thần kinh bị tổn thương, nhức đầu, co giật, viêm màng não, nói ngọng, giảm thị lực, gây động kinh. Bệnh do sán dây là lành tính, các tổn thương có thể tự khỏi trong vòng 2 - 3 tháng, song cũng có trường hợp nghiêm trọng có tỉ lệ tử vong cao hay thấp tùy thuộc diễn biến bệnh đơn giản hay phức tạp.
Để chủ động phòng bệnh sán dây, bác sĩ Thơm khuyến cáo người dân nên thực hiện uống sôi, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh. Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm, không ăn thịt tái, rau sống không đảm bảo vệ sinh. Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông. Rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Khi nghi ngờ nhiễm sán dây hoặc có các triệu chứng nhiễm sán, nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.