Y tếSức khỏe

Phòng ngừa suy dinh dưỡng trẻ em

08:45 - Thứ Hai, 03/10/2022 Lượt xem: 7237 In bài viết

ĐBP - Theo số liệu cân trẻ tháng 6/2022 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh giảm so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trẻ dưới 5 tuổi bị SDD cân nặng theo tuổi (thể nhẹ cân) là 15,3%, trẻ dưới 5 tuổi dân tộc thiểu số bị SDD cân nặng theo tuổi (thể nhẹ cân) là 16,8%, giảm 0,3% và 0,4% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ trẻ dưới 2 tuổi bị SDD cân nặng theo tuổi (thể nhẹ cân) là 10.3%... Mặc dù số liệu trên phản ánh kết quả tích cực, song đồng hành cùng với các cấp, các ngành thì mỗi gia đình cũng cần quan tâm phòng ngừa SDD cho trẻ, để trẻ em có thể phát triển một cách toàn diện nhất.

Cán bộ Trạm Y tế xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) cho trẻ uống vitamin A.

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Phó trưởng Khoa Dinh dưỡng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: SDD ở trẻ em là tình trạng trẻ bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, thường gặp nhất là sự thiếu hụt protein, vitamin và các khoáng chất. SDD thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, nhất là dưới 3 tuổi. SDD trẻ em có ba thể chính, gồm: Thể nhẹ cân (cân nặng/tuổi) khi cân nặng thấp hơn so với mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới; thể thấp còi (chiều cao/tuổi) khi chiều cao thấp hơn mức tiêu chuẩn của trẻ cùng tuổi và giới; thể gầy còm (cân nặng/chiều cao) là hiện tượng cơ và mỡ bị teo đi, được coi là SDD cấp tính vì thường biểu hiện trong một thời gian ngắn. Các biểu hiện của SDD thường là trẻ không tăng cân trong 3 tháng liên tiếp; trẻ hay quấy khóc, ít vui chơi, kém linh hoạt; chậm lẫy, ngồi, bò, đi, biếng ăn kéo dài… Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do chế độ ăn không đầy đủ chất dinh dưỡng và bệnh tật, trẻ hay mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

Tại Điện Biên, nhiều gia đình, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa thật sự quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ em như: Không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; cho trẻ cai sữa mẹ và ăn giặm sớm, từ 4 tháng tuổi; chế độ ăn hàng ngày không đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ như chất đạm (thịt, cá, hải sản, trứng, sữa), chất béo (dầu ăn, mỡ động vật), bột đường (cơm, khoai, bún, phở, đường), vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả); môi trường sống kém vệ sinh, không có nước sạch khiến trẻ dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn (tiêu chảy, viêm phổi…) Hậu quả của SDD thường không thể khắc phục được, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tăng trưởng của trẻ nhỏ, khi lớn ảnh hưởng đến khả năng học tập, lao động thể lực, trí lực cũng như mắc một số bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành.

Để giảm thiểu tình trạng SDD trẻ em, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Triển khai các hoạt động cải thiện tình trạng vi chất dinh dưỡng cho trẻ em; trong 9 tháng qua, trẻ 6 - 60 tháng tuổi được uống bổ sung vitamin A liều cao đạt 97,9%; trẻ 24 - 60 tháng tuổi được uống thuốc tẩy giun đạt 97,8%. Công tác giáo dục truyền thông được thực hiện trong các buổi chăm sóc bà mẹ, trẻ em (uống vitamin A, cân trẻ) và lồng ghép truyền thông gián tiếp, qua loa truyền thanh. Các cán bộ y tế thực hiện tư vấn tại nhà hoặc tại các cơ sở y tế cho các đối tượng chăm sóc trẻ. Trong đó, truyền thông trực tiếp 129 buổi tại 129 xã, phường, thị trấn; giáo dục truyền thông, thực hành dinh dưỡng cho trên 3.200 bà mẹ có con dưới 5 tuổi bị SDD.

Cùng với các giải pháp, ngành Y tế tích cực triển khai, để phòng tránh SDD ở trẻ em, cha mẹ cũng cần xây dựng và duy trì chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là thời điểm từ khi mang thai cho đến khi trẻ tròn 2 tuổi; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; chế độ ăn bổ sung đầy đủ, hợp lý 4 nhóm chất theo từng lứa tuổi của trẻ. Đồng thời theo dõi biểu đồ tăng trưởng hàng tháng nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn tình trạng SDD; không tự ý dùng thuốc điều trị nếu trẻ bị bệnh; bổ sung Vitamin A, tẩy giun định kỳ và tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top