Y tếSức khỏe

Chủ động phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ

07:32 - Thứ Hai, 10/10/2022 Lượt xem: 9830 In bài viết

ĐBP - Thông tin từ Bộ Y tế, ngày 3/10/2022, Việt Nam ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên. Bệnh nhân nữ 35 tuổi, thường trú tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, bệnh nhân sức khỏe ổn định, đang được tiếp tục cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm đến người dân xã Hừa Ngài (huyện Mường Chà).

Tính đến ngày 3/10/2022, thế giới ghi nhận 68.265 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 106 nước; trong đó có 25 trường hợp tử vong.

Để chủ động kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa sự phát sinh và lây lan dịch bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chức năng tăng cường truyền thông trong các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, cộng đồng để nâng cao nhận thức của người dân về tình hình bệnh đậu mùa khỉ, các triệu chứng nhận biết và các biện pháp phòng bệnh.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo trung tâm y tế và các phòng ban liên quan theo dõi sát tình hình dịch bệnh tại địa phương. Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Chỉ đạo tăng cường hệ thống thông tin báo cáo giữa các tuyến, khuyến khích hoạt động thông tin, khai báo từ người dân. Đẩy mạnh việc giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại các địa phương, các doanh nghiệp, trường học; giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Đặc biệt lưu ý các trường hợp có tiền sử về từ vùng dịch, cần phát hiện sớm, truy vết, điều tra, quản lý ca bệnh và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh đậu mùa khỉ thường có các triệu chứng như: Sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi, tuy nhiên hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2 - 3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.

Để chủ động phòng, tránh bệnh đậu mùa khỉ, người dân cần thực hiện các biện pháp: Tránh tiếp xúc gần với người nghi mắc bệnh, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường. Che miệng khi ho, hắt hơi. Khi thấy người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh. Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: Động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top