Y tếSức khỏe

Không chủ quan với bệnh cúm mùa

08:44 - Thứ Hai, 12/12/2022 Lượt xem: 8597 In bài viết

ĐBP - Tại Việt Nam, bệnh cúm thường gây ra bởi 3 chủng vi rút cúm A, B và C. Trong đó, chủng A và B là 2 chủng phổ biến nhất ở người. Cúm có khả năng lây nhiễm cao, được xếp vào một trong những bệnh truyền nhiễm đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành đại dịch. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh ghi nhận 5.669 ca mắc cúm. Trong đó, tập trung nhiều ở các huyện: Điện Biên Đông, Mường Nhé, Nậm Pồ...

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Mường Ảng chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhi.

Biểu hiện lâm sàng của bệnh cúm thường xuất hiện sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với vi rút gây bệnh. Ngoài các dấu hiệu nhận biết bệnh cúm là đau họng, sổ mũi và hắt hơi (giống với cảm lạnh) thì bệnh cúm còn có các dấu hiệu cảnh báo như: Sốt trên 38oC; cảm giác ớn lạnh; đau đầu, chóng mặt; mệt mỏi toàn thân; buồn nôn, tiêu chảy (thường xuất hiện ở trẻ em nhiều hơn). Thời gian ủ bệnh cúm thường kéo dài trong khoảng 2 ngày. Sau khoảng 5 ngày, triệu chứng sốt và các triệu chứng khác sẽ biến mất nhưng ho và tình trạng mệt mỏi vẫn kéo dài. Tất cả các triệu chứng sẽ biến mất trong vòng một hoặc hai tuần.

Bác sĩ Phạm Đức Tài, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Bệnh cúm có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường, do đó rất nhiều người chủ quan, xem nhẹ, không điều trị hoặc điều trị trễ khi bệnh chuyển nặng. Điều này có thể gây biến chứng nguy hiểm đường hô hấp như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu... nếu không được điều trị kịp thời. Phụ nữ mang thai nếu nhiễm cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ thì rất nguy hiểm, có nguy cơ dị tật thai nhi, sảy thai hoặc thai lưu. Biến chứng của bệnh cúm nguy hiểm nhất là hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não), thường gặp nhất ở trẻ trong độ tuổi 2 - 16, tỷ lệ tử vong cao.

Người nhiễm cúm có thể được điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Cần được nghỉ ngơi cho đến khi hạ sốt, sử dụng nước muối loãng để vệ sinh họng, hỗ trợ giảm nhanh các triệu chứng đau họng, rát cổ và viêm nhiễm cổ họng. Vệ sinh mũi sạch sẽ để kiểm soát tình trạng viêm nhiễm, giúp người bệnh dễ chịu hơn. Uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, theo đơn. Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và phù hợp với thể trạng khi bị cúm. Cung cấp đủ nước cho cơ thể uống đủ 2 lít nước/ngày, bổ sung chất điện giải để cung cấp thêm natri và kali; ăn thực phẩm nhiều kẽm, dễ nuốt (cháo, súp hay các thực phẩm loãng). Đồng thời, bổ sung nhiều loại rau của trong bữa ăn, đặc biệt là các loại rau có màu đậm như: Cải bó xôi, cải xoăn, súp lơ...

Bác sĩ Đàm Thanh Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để chủ động phòng cúm, mọi người nên vệ sinh cá nhân sạch sẽ, che miệng khi hắt hơi, rửa tay sạch với xà phòng đồng thời vệ sinh mũi, họng bằng nước muối thường xuyên. Luôn giữ ấm cơ thể, xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng kết hợp với luyện tập thể thao nâng cao thể trạng. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân mắc cúm. Không nên tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng vi rút (như thuốc Tamiflu) mà cần phải theo hướng dẫn và có chỉ định của thầy thuốc. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời. Tiêm vắc xin cúm mùa để tăng cường miễn dịch phòng chống cúm. Tuy nhiên, hiệu lực bảo vệ của vắc xin cúm chỉ kéo dài trong khoảng 1 năm, và vi rút cúm thường có tính đột biến cũng như thay đổi cấu trúc kháng nguyên theo chu kỳ năm, do đó trẻ em, người lớn rất cần được tiêm vắc xin cúm nhắc lại hàng năm.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top