Thực tế, nhiều loại ung thư xuất phát từ thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học, sử dụng thuốc lá, rượu, bia... Do đó, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm nếu chúng ta duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh.
“Nói không” với thuốc lá
Người hút thuốc lá, thuốc lào có nguy cơ ung thư phổi hoặc ung thư miệng, cổ họng hoặc tụy... Tuy nhiên, ngay cả hút thuốc lá thụ động, nghĩa là không hút mà tiếp xúc với khói thuốc, cũng có nguy cơ mắc bệnh. Do đó, chúng ta nên bỏ thuốc để hướng tới một cuộc sống lành mạnh, giữ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh.
Chế độ ăn uống khoa học
Các khuyến cáo về dinh dưỡng cho thấy, cần có chế độ ăn uống lành mạnh để giúp cơ thể khỏe mạnh cũng như giảm nguy cơ ung thư.
Cần duy trì thực đơn đủ dinh dưỡng với các thành phần như cá, rau, củ, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế các loại thịt đỏ, các món nướng...
Ngoài ra, không uống rượu, bia hoặc tiết chế việc uống rượu, bia. Vì uống quá nhiều rượu, bia sẽ làm tăng nguy cơ ung thư khoang miệng, thực quản, thanh quản, dạ dày, đại tràng, gan...
Tăng cường hoạt động thể chất
Tập thể dục đều đặn không chỉ có tác dụng cải thiện sức khỏe mà còn giảm nguy cơ phát triển một số bệnh như đái tháo đường, ung thư và bệnh tim mạch.
Khám định kỳ, tầm soát ung thư thường xuyên
Nếu bệnh ung thư được phát hiện sớm thì việc điều trị khỏi, duy trì hoặc kéo dài sự sống cho người bệnh là hoàn toàn có thể. Vì vậy, cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh. Nên định kỳ khám khoảng 6 tháng 1 lần và 1 năm 2 lần.