ĐBP - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ngày 1/5, tỉnh ta ghi nhận 1 bệnh nhân tử vong do bệnh bạch hầu. Đây là là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thuộc nhóm B, do vi khuẩn bạch hầu sinh độc tố Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan mạnh và nhanh chóng tạo thành dịch.
Ngày 30/4, bệnh nhân S.T.L. sinh năm 2013, bản Háng Giống, xã Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông) được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng sốt cao 39oC, kèm theo đau họng, khó nuốt, ho nhiều, có đờm, người mệt mỏi, ăn uống kém. Bác sĩ đã hội chẩn liên khoa và chẩn đoán bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, suy hô hấp, viêm phổi, theo dõi viêm cơ tim chưa loại trừ bệnh bạch hầu, tiên lượng nặng và được điều trị truyền dịch, kháng sinh. Đến chiều ngày 1/5, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, suy hô hấp. Sau 30 phút thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn, bệnh nhân đã tử vong. Ngày 4/5, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho thấy bệnh nhân S.T.L. dương tính với vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae (vi khuẩn bệnh bạch hầu).
Sau khi xác định bệnh nhân S.T.L tử vong do mắc bệnh bạch hầu. Sở Y tế đã thành lập tổ công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Đến địa bàn xảy ra ca bệnh điều tra xác minh; thực hiện tẩy uế môi trường quanh khu vực nhà ở, trường học và nơi ở của bệnh nhân (lớp học, khu ở nội trú, chăn màn...). Tổ chức tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho học sinh, giáo viên và người dân. Tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm, thời điểm hiện tại đã lấy 61 mẫu và gửi về Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm chẩn đoán. Xác định 78 người tiếp xúc gần với bệnh nhân (trong đó 5 người trong gia đình bệnh nhân, 18 học sinh cùng lớp, 38 học sinh ở cùng khu nội trú và 17 nhân viên y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh). 347 học sinh Trường Phổ thông DTBT Tiểu học Pu Nhi, nơi bệnh nhân học, trong đó có 99 học sinh ở nội trú, 28 cán bộ giáo viên cũng được đưa vào diện theo dõi triệu chứng để kịp thời phát hiện. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh bạch hầu; triển khai các hoạt động can thiệp phòng chống dịch bệnh; giám sát, điều tra và phát hiện các ca mắc mới. Bố trí cán bộ y tế dự phòng liên tục, thường xuyên cùng với Trạm Y tế xã giám sát, theo dõi tình hình bệnh tật tại các thôn, bản. Cấp thuốc điều trị dự phòng cho tất cả các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh. Lập danh sách trẻ dưới 1 tuổi và 18 tháng tuổi chưa tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu để tiêm bổ sung. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn; lợi ích của việc tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu. Đồng thời, yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu; tăng tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cho trẻ em trong tiêm chủng mở rộng đảm bảo tỷ lệ trên 95% các loại vắc xin, đặc biệt là vắc xin có thành phần phòng bệnh bạch hầu.
Bác sĩ Phạm Đức Tài, Trưởng khoa Phòng chống bệnh Truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Bệnh bạch hầu lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 - 5 ngày. Người mắc bạch hầu có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khó nuốt, hạch góc hàm sưng đau, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng, khó thở hoặc thở nhanh, chảy nước mũi. Độc tố bạch hầu có thể gây viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm và chữa trị kịp thời.
Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu đủ mũi tiêm và đúng lịch; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.