Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hướng dẫn mới về chất làm ngọt nhân tạo, trong đó khuyến cáo không nên sử dụng chất này để kiểm soát trọng lượng cơ thể hoặc giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm.
Khuyến cáo của WHO dựa trên kết quả của một đánh giá có hệ thống về các bằng chứng cho thấy việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo không mang lại bất kỳ lợi ích lâu dài nào trong việc giảm mỡ cơ thể ở người lớn hoặc trẻ em.
Kết quả tổng quan cũng chỉ ra nguy cơ xảy ra những tác dụng không mong muốn khi sử dụng chất làm ngọt nhân tạo lâu dài, điển hình như tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và tử vong ở người lớn.
Trong một tuyên bố, WHO nhận định việc thay thế đường bằng chất làm ngọt nhân tạo không giúp kiểm soát cân nặng về lâu dài. Cơ quan quản lý y tế thế giới khuyến nghị cân nhắc sử dụng những phương pháp khác để giảm lượng đường nạp vào cơ thể như tiêu thụ đồ ăn và thức uống không đường.
WHO khuyến cáo sử dụng chất làm ngọt nhân tạo trong chế độ ăn uống. Ảnh: Adobe Stock/CNN
Giám đốc Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm của WHO Francesco Branca cho biết, chất làm ngọt nhân tạo không phải là yếu tố thiết yếu trong chế độ ăn uống và không có giá trị dinh dưỡng. Do đó, mọi người nên sớm giảm hoàn toàn độ ngọt trong chế độ ăn uống để cải thiện sức khỏe.
Khuyến nghị của WHO hướng đến mọi đối tượng, ngoại trừ những người đã mắc bệnh tiểu đường; được áp dụng với tất cả những chất làm ngọt phi dinh dưỡng tổng hợp, tự nhiên hoặc biến đổi không được phân loại là đường có trong thực phẩm và đồ uống, hoặc chất làm ngọt được bán riêng để thêm vào thực phẩm và đồ uống.
Khuyến nghị không áp dụng cho những sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cá nhân có chứa chất làm ngọt nhân tạo như như kem đánh răng và thuốc, hoặc đường có hàm lượng calo thấp.
Hướng dẫn mới nhất của WHO về chất làm ngọt nhân tạo nằm trong bộ hướng dẫn về thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm trên toàn thế giới.