Y tếSức khỏe

Phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ trong mùa hè

09:34 - Thứ Ba, 06/06/2023 Lượt xem: 6140 In bài viết

ĐBP - Tiêu chảy là bệnh phổ biến ở trẻ em, nhất là trong mùa hè. Bệnh có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng của trẻ trong thời gian ngắn. Vì thế, các bậc cha mẹ cần chủ động quan tâm, chăm sóc đúng cách, điều trị sớm khi trẻ mắc bệnh tiêu chảy.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh bệnh tiêu chảy cho bệnh nhân.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng nên thuận lợi cho sự phát triển của các loại vi khuẩn, nấm mốc khiến cho thức ăn dễ bị ôi thiu. Nếu trẻ ăn phải các loại thực phẩm này sẽ dẫn đến tình trạng tiêu chảy. Thời tiết oi nóng cũng là điều kiện để ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở, làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống. Theo ghi nhận của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trong tháng 3 và tháng 4, toàn tỉnh có hơn 1.230 trường hợp mắc bệnh tiêu chảy. Đối tượng mắc chủ yếu là trẻ nhỏ, tập trung ở các địa bàn: Mường Nhé, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Chà. Tuy chưa có trường hợp trẻ tử vong do mắc tiêu chảy nhưng các bậc cha mẹ cần nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ.

Bác sĩ Phạm Đức Tài, Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Vào mùa hè trẻ rất dễ mắc bệnh tiêu chảy do sức đề kháng kém, nhất là trẻ em từ 6 tháng đến 2 tuổi, trẻ suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch. Bệnh tiêu chảy gồm: Tiêu chảy cấp, tiêu chảy kéo dài và hội chứng lỵ; trong đó phần lớn trẻ em bị bệnh tiêu chảy là mắc tiêu chảy cấp. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng thường gặp nhất là do đường ruột trẻ bị nhiễm vi rút, vi trùng hoặc ký sinh trùng. Một số trẻ bị tiêu chảy do dị ứng với thức ăn, không dung nạp thức ăn, chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi hoặc do sử dụng kháng sinh kéo dài...

Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như: Sốt cao, ói mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần/ngày, đau bụng, chướng bụng. Ở mức độ nặng, trẻ có thể bị sốt li bì hoặc hôn mê, mắt trũng, khát nhưng không uống hoặc uống rất ít nước, véo vào da thấy để lại vết hằn và lâu mất đi. Trẻ mắc bệnh tiêu chảy nếu không được điều trị hoặc điều trị không hợp lý sẽ bị mất nước khiến cơ thể yếu dần, dẫn đến tử vong. Ngoài ra, tiêu chảy cũng làm rối loạn các chất trong cơ thể khiến các cơ quan bị rối loạn hoạt động. Khi tiêu chảy kéo dài có thể dẫn tới suy dinh dưỡng, một trong những biến chứng rất nguy hiểm của tiêu chảy. Một số trường hợp tiêu chảy do vi trùng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, điều trị rất khó khăn và gây tử vong cao.

Để chủ động phòng, chống bệnh tiêu chảy cho trẻ trong dịp hè, hạn chế trường hợp mắc bệnh, cùng với việc triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người (trong đó có bệnh tiêu chảy) ngay từ đầu năm; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố giám sát chặt chẽ những trường hợp mắc bệnh để chủ động khoanh vùng, xử lý các ổ dịch, không để bệnh lây lan, bùng phát. Đồng thời tổ chức thu dung, chẩn đoán, cách ly điều trị cấp cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong. Mặt khác, tiếp tục duy trì các đội đáp ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh tại tất cả các tuyến; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức phòng bệnh cho người dân. Nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số do nhận thức, thói quen ăn uống hàng ngày đôi khi chưa đảm bảo vệ sinh nên cán bộ y tế phải trực tiếp xuống cơ sở tuyên truyền về nguyên nhân, triệu chứng, cách chăm sóc và phòng tránh bệnh tiêu chảy cho trẻ. Ngoài ra, các địa phương cũng tăng cường tuyên truyền qua hoạt động khám chữa bệnh; qua hệ thống loa phát thanh; lồng ghép vào các buổi họp dân; truyền thông qua mạng xã hội zalo, facebook… Đặc biệt, các cơ sở y tế cũng tăng cường dự trù các loại thuốc điều trị bệnh tiêu chảy, vật tư, hóa chất dự phòng để sẵn sàng sử dụng khi có dịch bệnh xảy ra.

Bệnh tiêu chảy có khả năng lây lan nhanh và gây thành dịch lớn trong một thời gian ngắn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Vì vậy, để chủ động phòng tránh bệnh tiêu chảy cho trẻ, các bậc cha mẹ cần thực hiện tốt một số biện pháp như: Nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín uống sôi; sử dụng nước sạch trong ăn uống và sinh hoạt; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn; cho trẻ đi tiêm chủng đầy đủ; bảo đảm vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh… Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh tiêu chảy cần cho trẻ uống nước nhiều hơn so với bình thường để bù mất nước cho trẻ. Trường hợp trẻ bị nặng, như: Sốt cao, bỏ ăn, bỏ bú, trong phân có máu, sức khỏe yếu cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Đức Thái
Bình luận
Back To Top