Y tếSức khỏe

Ứng phó với ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão

15:46 - Thứ Tư, 19/07/2023 Lượt xem: 6596 In bài viết

Trong mùa mưa bão, người dân phải đối diện với nhiều bệnh tật do ảnh hưởng của môi trường sống bị ô nhiễm. Đặc biệt, khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế. Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng. Vì vậy, nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cho người dân trở nên cao hơn.

Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc thực phẩm tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108. Ảnh: Lộc Xuân

Cảnh giác với ngộ độc thực phẩm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nửa cuối tháng 7 đến tháng 10-2023, trên Biển Đông có thể xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó, khoảng 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia cũng khuyến cáo các địa phương và người dân cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ. Ngoài ra, hiện tượng mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng ở các khu vực trên phạm vi toàn quốc.

Trước tác động của mùa mưa bão đối với sức khỏe con người, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đưa ra cảnh báo, bão lụt và các thay đổi bất thường về thời tiết là những điều kiện thuận lợi cho thực phẩm dễ bị ô nhiễm vi sinh vật. Khi bão lũ xảy ra, nguồn cung cấp thực phẩm tươi, sạch, an toàn bị ách tắc do phương tiện vận chuyển bị hạn chế.

Thêm vào đó, lương thực, thực phẩm gặp thời tiết mưa ẩm dễ bị ôi, thiu, mốc, hỏng, sinh độc tố có thể gây ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm thường gặp sau bão lụt, thiên tai như: Vibrio cholerae gây bệnh tả; Salmonella gây thương hàn; Shigella gây lỵ trực trùng; Bacillus anthracis gây bệnh than hay bệnh tiêu chảy do vi rút (rotavirus, enterovirus...), viêm gan A, E... Ngoài ra, nguồn nước có thể bị ô nhiễm nặng dẫn đến ô nhiễm thực phẩm và nước uống dùng để chế biến thức ăn.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm tới sức khỏe biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, nhẹ nhất là đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước...; nặng hơn là tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, liệt, co giật, hôn mê… Đây là những biểu hiện trước mắt, còn về lâu dài, ngộ độc thực phẩm có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác nhau. Vào mùa mưa, nấm độc cũng sinh sôi nhiều. Đây cũng là thời gian xảy ra nhiều vụ ngộ độc nấm nhất trong năm.

Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chia sẻ, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ đã thấy nhiều trường hợp ngộ độc vì hái nấm về ăn dựa theo kinh nghiệm truyền miệng, dù không rõ loại nấm đó có độc hay không. Đáng lo ngại, với loại nấm độc nhất thì biểu hiện ngộ độc lại xuất hiện chậm, sau ăn từ 6 giờ hoặc lâu hơn. Khi đó, chất độc đã đi sâu xuống ruột và vào máu, nên các biện pháp sơ cứu khó có tác dụng cần thiết. Để tránh rủi ro, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, biết rõ nguồn gốc, chủng loại và được kiểm định của cơ quan chức năng, tuyệt đối không hái nấm dại để ăn.

Không dùng gia súc, gia cầm chết

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa mưa bão, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị trong ngành tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của ngành Y tế về việc bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo đảm nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường trong mùa mưa lũ và triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị tiếp tục kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt, nguồn nước hộ gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, các hoạt động vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực công cộng, khu tránh trú… theo phân cấp tại địa phương. Đồng thời, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân về các biện pháp xử lý, trữ nước, sử dụng nước an toàn cho gia đình, vệ sinh môi trường, bảo đảm vệ sinh cá nhân, phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lụt cao, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị các địa phương cần theo dõi các dự báo, diễn biến tình hình bão, lụt trên địa bàn và chủ động kế hoạch dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, thuốc men, các hóa chất sát khuẩn của ngành Y tế.

Cùng với đó, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm; thực hiện ăn chín, uống chín, nước sử dụng để ăn uống, chế biến thực phẩm phải khử trùng, đặc biệt là trong thời gian bão, lụt xảy ra. Đồng thời, người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc như nấm độc, côn trùng lạ, độc, cá nóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ…

Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu các cơ sở thực phẩm tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh. Các địa phương cần phối hợp với cơ quan chức năng của trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm bảo đảm không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân. Bên cạnh đó, các đơn vị chủ động dự trữ thuốc men, hóa chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top